An toàn thực phẩm từ các lò giết mổ gia súc, gia cầm ở Hà Nội

By Gregory Sovell Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011 0 comments

Thành phố Hà Nội đang phải đối mặt với việc kiểm soát hoạt động vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm tại các cơ sở tập trung giết mổ thủ công và hơn 3.700 điểm giết mổ nhỏ lẻ nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân, trong khi các dự án đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc tập trung công nghiệp đã được phê duyệt, nhưng triển khai với tốc độ "rùa bò".

Lò giết mổ gia súc nhỏ lẻ, mất vệ sinh ở xã Kim  Sơn (Gia Lâm, Hà Nội).

Lò giết mổ gia súc nhỏ lẻ, mất vệ sinh ở xã Kim  Sơn (Gia Lâm, Hà Nội).

Chưa bảo đảm vệ sinh thú y

Thực hiện chủ trương xóa bỏ các cơ sở, điểm giết mổ gia súc nhỏ lẻ, gây ô nhiễm môi trường, tháng 12-2010, lò mổ Thịnh Liệt  (lớn nhất Hà Nội) do HTX dịch vụ nông nghiệp Ðồng Thịnh quản lý đã phải chấm dứt hoạt động do ô nhiễm môi trường, mất trật tự công cộng. 26  cơ sở giết mổ từ lò mổ Thịnh Liệt được đưa về tập trung giết mổ gia súc tại Cơ sở Minh Hiền (Cụm công nghiệp Bích Hòa, xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai). Ðây  là cơ sở giết mổ tập trung "có tiếng" của thành phố, với hai hình thức: Dây chuyền giết mổ công nghiệp (của nhà máy) và giết mổ thủ công của các hộ dân.  3 giờ sáng, giờ "cao điểm" gia súc đưa vào giết mổ, chúng tôi gặp anh Phạm Văn Trung, phụ trách tổ kiểm dịch, anh cho biết: " Ở đây, không chỉ có lực lượng thú y làm kiểm dịch, mà còn có cả đại diện công an, quản lý thị trường cùng phối hợp thực hiện. Ðể tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh, buôn bán, giết mổ động vật tại các lò mổ, trang trại chăn nuôi, thành phố mới vừa thành lập thêm bảy chốt kiểm dịch liên ngành tại cầu Trung Hà, Cầu Giẽ (Phú Xuyên), Trung Giã (Sóc Sơn), Bắc Thăng Long - Nội Bài, Hà Vĩ (Thường Tín), Minh Hiền (Thanh Oai), chốt Dương Xá (Gia Lâm) và một đội kiểm dịch cơ động". Cung cấp nguồn nguyên liệu cho lò mổ này chủ yếu từ các tỉnh lân cận và dân địa phương. Vì thế, một tổ kiểm dịch thú y (12 người), chia làm ba ca luôn có mặt 24/24 giờ trực chốt, kiểm dịch cùng với lực lượng liên ngành. Chứng kiến tận mắt công tác kiểm dịch, một chủ xe lợn (137 con) từ Hà Tĩnh ra - anh Nguyễn Văn Hòa, phải xuất trình đầy đủ bốn dấu kiểm dịch tại các chốt kiểm dịch của các tỉnh đi qua trong quá trình vận chuyển, mới được đưa vào giết mổ. Trưởng phòng kiểm dịch Nguyễn Xuân Ủy - Chi cục Thú y Hà Nội nhận xét, mặc dù mới chỉ là mô hình "tập trung giết mổ thủ công thôi" nhưng với cách tổ chức như thế này đã tạo điều kiện cho cơ quan chức năng thực hiện tốt việc kiểm soát chặt chẽ ngay từ nguồn gốc xuất xứ của gia súc, gia cầm trước khi đưa vào giết mổ, vừa ngăn chặn dịch bệnh, vừa bảo đảm an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, tham quan toàn bộ cơ sở này, bày ra trước mắt chúng tôi vẫn là hình ảnh những con lợn được giết mổ ngay trên sàn nhà, có con  phơi ra đường. Mặc dù, về cơ bản, cơ sở này cũng  thiết kế các khu riêng biệt (khu nhốt động vật sống, khu bẩn, khu sạch), có hệ thống xử lý chất thải rắn, lỏng, song theo quy định thú y, việc giết mổ phải được thực hiện trên sàn cao (cách nền nhà ít nhất 40 cm) hoặc tốt hơn phải giết mổ trên dàn treo, sau đó bảo ôn trong phòng mát theo thời gian quy định trước khi bán ra thị trường. Hỏi chuyện một chủ hộ giết mổ Quỳnh Phương, chị Phương hồn nhiên so sánh: So với những nơi giết mổ tự phát khác, ở đây còn sạch chán vì có nước máy, không phải dùng nước ao, nước bẩn.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố còn khoảng 3.725 điểm, hộ giết mổ gia súc, gia cầm không bảo đảm vệ sinh thú y,  hầu hết phân tán rải rác ở các huyện ngoại thành. Các điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ hoạt động rất đa dạng, một số chủ hoạt động theo mùa vụ nên việc kiểm tra, kiểm soát còn gặp nhiều khó khăn. Năm cơ sở giết mổ công nghiệp nhưng hoạt động cầm chừng, chỉ đạt khoảng 10% công suất giết mổ lợn và 35,7% công suất giết mổ gia cầm. Ngoài các cơ sở giết mổ gia súc tập trung ở huyện Thanh Oai, Từ Liêm, Ðan Phượng, còn có các cơ sở, hộ giết mổ gia cầm thủ công trên địa bàn các huyện ngoại thành được thành phố cho phép giết mổ tạm thời như cơ sở giết mổ thủ công tại chợ đầu mối Bắc Thăng Long, hai cơ sở giết mổ ở Yên Thường (Gia Lâm), điểm giết mổ Hiền Ninh (Sóc Sơn), các hộ giết mổ nhỏ lẻ ở chợ Hà Vĩ (Thường Tín).

Ðể bảo đảm nhu cầu tiêu dùng cho người dân Thủ đô, đã có nhiều chính sách ưu đãi về nguồn vốn vay, giá thuê mặt bằng, đặc biệt hỗ trợ toàn bộ kinh phí xây dựng hệ thống xử lý chất thải nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ công nghiệp, song các doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà. Trong khi đó, các dự án đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm công nghiệp tập trung, hay thủ công tập trung đã được phê duyệt  nhưng triển khai chậm... Mặt khác, với 300 chợ có hoạt động kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm (không kể các chợ cóc, chợ tạm), thì ý thức chấp hành quy định pháp luật về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y của người kinh doanh, buôn bán sản phẩm gia súc, gia cầm vẫn rất thấp.

Nâng cao hiệu quả quản lý

Theo đánh giá của Chi cục trưởng Thú y Hà Nội Cấn Xuân Bình, mặc dù lực lượng thú y đã chủ động, tích cực trong công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, song do địa bàn rộng, các cơ sở giết mổ tập trung thì chưa hoàn thành, chủ yếu vẫn giết mổ nhỏ lẻ, lại chưa có các chợ đầu mối buôn bán sản phẩm gia súc, gia cầm, nên hiện vẫn tồn tại những bất cập như: chưa quản lý được công tác kiểm soát giết mổ tại các điểm, hộ nhỏ lẻ; tỷ lệ gia súc, gia cầm có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật hợp lệ từ các tỉnh vào thành phố còn thấp; còn tình trạng lén lút bán gia cầm chưa giết mổ, sản phẩm gia súc, gia cầm không qua kiểm dịch tại các quận nội thành.

Ðể nâng cao hiệu quả công tác quản lý giết mổ, vận chuyển, buôn bán giết mổ gia súc, gia cầm, có hàng loạt giải pháp mà thành phố cần tiếp tục triển khai. Ðó là quy hoạch xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học nhằm cung cấp nguồn nguyên liệu cho các cơ sở giết mổ, chế biến tập trung, hiện đại, bảo đảm cho các cơ sở giết mổ tập trung duy trì hoạt động; đầu tư nâng cấp những cơ sở giết mổ hiện có bảo đảm thực hiện triệt để việc kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y đối với gia súc, gia cầm tiêu dùng của thành phố; đồng thời tiếp tục triển khai nhanh các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại các huyện ngoại thành, xây dựng các chợ đầu mối kinh doanh, buôn bán sản phẩm động vật nằm ở cửa ngõ ra vào thành phố; tăng cường kiểm tra vệ sinh thú y tại các thị trường tiêu thụ trọng điểm. Bên cạnh đó, tăng cường thông tin tuyên truyền về chủ trương của thành phố, các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về kiểm dịch, vệ sinh thú y cho người chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm.

Ðược biết, trong cuộc họp giao ban mới đây (ngày 6-9) về triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm tập trung, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Xuân Việt đã giao Sở Kế hoạch và Ðầu tư chủ trì phối hợp các ngành liên quan nghiên cứu tình hình hoạt động (thuận lợi, khó khăn) của các cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm để tổng hợp, đề xuất UBND thành phố ban hành cơ chế hỗ trợ sau đầu tư nhằm bảo đảm cho các nhà máy hoạt động có hiệu quả, đạt công suất thiết kế, giảm giá thành sản phẩm, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của doanh nghiệp và của thành phố. Mặt khác, từ thực tế, đề xuất UBND thành phố sửa đổi những vấn đề bất cập khi triển khai thực hiện Quyết định số 77, ngày 10-6-2009 về chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố. Hy vọng, với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền thành phố, các cơ quan chức năng, Hà Nội sẽ nhanh chóng tìm được lời giải cho "bài toán" về quản lý kiểm soát giết mổ, vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng thực phẩm an toàn.

HẢI PHƯƠNG

Sharing is sexy

Related posts

0 nhận xét for this post

Leave a reply