Tạo bọt cà phê bằng chất tạo bọt xà phòng

By Gregory Sovell Thứ Hai, 10 tháng 10, 2011 0 comments

TT - Nhiều cơ sở chế biến cà phê không ngại độn hạt cà phê với bơ, bắp, kể cả hương liệu, hóa chất trong sản xuất thuốc kháng sinh, hóa chất chỉ được dùng tạo bọt trong sản xuất xà phòng. Dùng lâu dài có thể mắc bệnh mãn tính và ung thư...

ImageView[1]

Những hóa chất được cho vào cà phê để có màu đen kịt, nhiều bọt - Ảnh: Yến Trinh

“Nâng cấp” cà phê

Anh N.V.Đ. - từng làm nhân viên một cơ sở chế biến cà phê trên đường Lê Đức Thọ (Gò Vấp, TP.HCM) - cho biết: “Với cách làm của chủ cũ anh thì đây là ngành kinh doanh một vốn bốn năm lời”. Anh khẳng định: “Đồ nghề chỉ cần một máy trộn, một máy xay và hai cái thau”.

Để có thứ bột “đen đen, đắng đắng”, anh Đ. “bật mí”: công thức pha chế thường là: 1kg bơ + 1kg cà phê hạt+ 1kg bột bắp. Sau khi rang cà phê hạt và bột bắp, tất cả được đổ vào máy xay chung với bơ. Sau đó, hỗn hợp này cần sự hỗ trợ của hương hóa chất, chất tạo độ đắng, sánh.

Nhiều quán còn châm thêm một số hóa chất để tạo hương vị đặc biệt cho cà phê của quán. Hiện nay nhiều khách còn thích cà phê nhiều bọt nên cho thêm hóa chất tạo bọt vào hỗn hợp. Những hóa chất ấy có thể dễ dàng tìm thấy tại các cơ sở bán hóa chất công nghiệp.

Theo hướng dẫn của anh Đ., tôi tìm đến chợ chuyên bán hóa chất Kim Biên. Quả thật, tại một số gian hàng bán hóa chất chỉ cần nói mua hương liệu, chất tạo đắng, tạo bọt cho cà phê là các chủ hàng gật đầu ngay.

Không có tên và công thức hóa học, chúng tôi chỉ được trao những lọ hóa chất lỏng, đặc đủ kiểu. Một cán bộ đội quản lý thị trường 5B giải thích: “Đây là những hóa chất được phép bán, một số chất được dùng trong công nghiệp.

Những chủ cửa hàng có giấy phép kinh doanh. Họ bán hàng có nguồn gốc và trong phạm vi kinh doanh. Tuy nhiên, hiện nay chưa có qui định về điều kiện của người mua nên họ mua về sử dụng vào mục đích gì thì chúng tôi bó tay”.

Theo anh Đ., không chỉ cà phê đường phố, phần lớn lượng cà phê này được bỏ mối vào các quán, nhiều nhất là các quán ở ngoại thành. Do giá “ưu đãi” và khoản hoa hồng 10% nên loại cà phê này cũng được tiêu thụ nhanh. Chỉ riêng tại Q. Bình Thạnh và Thủ Đức, mỗi ngày cơ sở anh cũng bán được 40-50 kg.

Từ giã thói quen

Giám đốc một công ty chế biến cà phê nói: “Người tiêu dùng nên chọn những sản phẩm có thương hiệu, có uy tín, đồng thời từ giã thói quen uống loại cà phê đen kịt, sánh đặc và quá nhiều bọt.

Chú ý cà phê nguyên thủy có màu nâu cánh gián, không quá sánh đặc. Cà phê nguyên chất có mùi hương tự nhiên, nồng nàn. Nếu cà phê nguyên chất sau khi uống để lại dư vị ngọt dịu thì cà phê pha hóa chất chỉ để lại hậu đắng.

Ngoài ra, khi đánh ly cà phê nguyên chất cũng ít bọt và bọt kém bền. Trong khi đó, ly cà phê có hóa chất tạo bọt thì thường lên bọt rất nhiều và lâu tan”.

Uống bọt xà phòng

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Diệp - phó khoa dinh dưỡng vệ sinh an toàn thực phẩm Viện Vệ sinh y tế công cộng - cho biết: “Chất tạo bọt mà một số cơ sở tẩm vào cà phê chính là sodium lauryl sunfate - một hóa chất chuyên dùng trong sản xuất xà phòng với liều lượng vừa phải.

Chất này không được dùng trong thực phẩm. Tuy nhiên, đây không phải là chất như nước rửa chén, dùng hòa vào cà phê đã pha như nhiều người nghĩ. Thường chất được bán ở dạng cô đặc. Theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới, đây là chất độc không được ăn, uống, hút. Nếu dùng có thể gây tổn hại đường ruột, gan.

Riêng những xà phòng gội đầu có chất này có thể gây xơ tóc, tổn hại mắt, làm tóc rụng. Việc dùng sodium lauryl sunfate trực tiếp vào cơ thể kết hợp một số hóa chất khác, về lâu dài có thể gây ung thư”.

“Ngoài ra, việc lạm dụng hóa chất có hương cà phê sẽ gây hại cho sức khỏe về lâu dài. Trong hạt cà phê đã có cafein nhưng việc cho thêm một cafein hóa chất là một thủ thuật đánh lừa người tiêu dùng. Uống nhằm chất này cũng sẽ thấy nôn nao, tỉnh táo, không buồn ngủ (dù uống cà phê độn bắp).

Trong khi đó, cafein không được phép cho vào thực phẩm bừa bãi mà phải phụ thuộc một số chỉ tiêu về hàm lượng tinh khiết, hàm lượng kim loại nặng, arsen (AS)... Nói chung, chưa có trường hợp nào ngộ độc cấp tính do cà phê nhưng người tiêu dùng phải cẩn trọng với những loại cà phê trôi nổi. Việc tích tụ hóa chất trong cơ thể lâu ngày sẽ gây ra nhiều bệnh mãn tính” - bác sĩ Diệp khuyên.

Từ nâu sang đen

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa - trưởng phòng vệ sinh an toàn thực phẩm Sở Y tế TP.HCM - khẳng định: “Với một thị trường rộng như TP.HCM, các cơ sở chế biến cà phê “chui” rồi giao cho các quán lề đường thì không thể nào kiểm soát nổi hết”.

Giám đốc một công ty chế biến cà phê xuất khẩu bức xúc: “Hai năm trước, một số cơ sở bán hàng ở miền Tây còn đặt tôi làm cà phê theo công thức tẩm, ướp mà họ đưa. Khi đi hỏi ở chợ Kim Biên tôi phát hiện chất họ tẩm đắng cho cà phê là chất sử dụng sản xuất thuốc kháng sinh.

Tôi còn biết muốn làm cho cà phê từ màu nâu chuyển sang đen phải dùng đường caramen, loại đường này rất đắt tiền. Do đó, nhiều nơi thay bằng màu công nghiệp, giá chỉ có 30.000 đồng/kg. Một muỗng nhỏ màu công nghiệp có thể làm 10kg cà phê từ nâu chuyển sang đen kịt.

Tuy nhiên, lương tâm của người làm nghề không cho phép”. Sau đó, nhãn hiệu cà phê của công ty chị ít xuất hiện ở Việt Nam mà chủ yếu được xuất khẩu sang Mỹ, Nhật. Điều đó chứng tỏ rằng chính thị hiếu của một số người tiêu dùng ở nước ta đã “nuôi sống” các cơ sở chế biến cà phê pha, tẩm hóa chất.

YẾN TRINH - 2006

Sharing is sexy

Related posts

0 nhận xét for this post

Leave a reply