“Hoảng hồn” vì gà nhuộm bột sắt...!

By Gregory Sovell Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2011 0 comments
(PL&XH)-Mấy ngày gần đây trên một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin:Những người có sở thích ăn gà mổ sẵn da vàng ươm phải cảnh giác.

Bởi vì,đó không phải là màu vàng tự nhiên của con gà béo do ăn cám,ăn ngô mà do được “tắm” qua nước hòa bột sắt sau khi mổ.Chất bột sắt này nhẹ thì gây dị ứng, nặng thì gây ung thư. Trước thông tin trên, người tiêu dùng trở nên thận trọng, e dè khi mua thịt gà làm sẵn, đặc biệt với loại gà có màu vàng ươm…
E dè với gà có màu vàng hấp dẫn!
Chị Trà, ở xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Nội bày tỏ: “Thật khủng khiếp, giờ cái gì người ta cũng có thể làm giả được. Trước kia mẹ tôi bày cách chọn gà là cứ phải chọn con nào có da màu vàng xuộm, óng ả thì mới ngon vì gà này được nuôi ngô, ăn sẽ thơm thịt và ngọt. Không ngờ bây giờ người ta còn nghĩ ra trò này để đánh lừa người tiêu dùng. Tình trạng này thì cứ chọn con gà nào xấu mã, da trắng hoặc thịt thâm cho nó lành”.
Bình thường khi mua gà ngoài chợ tôi hay mua gà làm sẵn do không có thời gian chờ mổ. Tôi thường chọn những con có màu vàng ươm vì chồng tôi chỉ thích ăn gà có màu da vàng nhìn ngon mắt. Gà làm sẵn nếu là gà ta thường có giá từ 100.000-140.000/kg; gà công nghiệp thì chỉ khoảng 60.000-80.000 đồng/kg. Nhưng tôi chọn mua gà da vàng thường phải trả tiền cao hơn gà da trắng. Hóa ra từ trước đến nay tôi toàn mất tiền oan để mua những con gà được nhuộm bột sắt độc hại - chị Oanh, ở phường Việt Hưng, quận Gia Lâm, Hà Nội bức xúc.
“Từ hôm nghe thông tin gà vàng xuộm do nhuộm bột sắt mà tôi thấy hãi hùng. Sao người ta có thể hành động nhẫn tâm như vậy?. Chất này đâu phải là chất bổ, béo gì cho sức khỏe mà chỉ… bổ mắt. Người mua nhìn thấy ngon, hấp dẫn nên mua. Vậy mà chỉ vì lợi ích của mình, vì muốn bán chạy hàng mà những người bán đang tâm đầu độc cộng đồng. Các cháu nhà tôi thích ăn gà rán, tôi hay mua gà làm sẵn, mà cứ chỉ chọn những con màu vàng. Giờ không biết ảnh hưởng sức khỏe ở mức độ nào rồi. Từ nay tôi lại chuyển sang mua gà tươi sống rồi chờ người ta mổ mang về. Ít nhất mình tay sờ, mắt nhìn tận nơi con gà không bị nhuộm chứ nếu nuôi bằng tăng trọng thì cũng vẫn phải chịu” -  chị Huyền ở Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội thở dài.

Gà “tắm” bột sắt thì mới vàng được từ đầu đến chân
Đi vào các chợ-dù là chợ ở khu vực trung tâm hay các chợ ở Gia Lâm, Từ Liêm… ta đều dễ dàng “nhận diện” những con gà làm sẵn có màu da vàng ươm từ… đầu đến chân, trông rất ngon mắt. Theo tâm lý của người tiêu dùng thì những con gà có màu vàng sẽ được “chấm điểm” cao hơn nên bán cũng nhanh hơn.

0fbHinh-anh0541[1]

Những bà nội trợ cẩn trọng với gà vàng ươm, ngon mắt

Để tạo ra những con gà có màu da vàng ươm này rất đơn giản. Người giết mổ gà chỉ cần bỏ ra hơn 10.000 đồng để mua một gói bột màu vàng ở cửa hàng sơn rồi hòa ra nước thì có thể hô biến khoảng 4.000 con gà có nước da xám, trắng, nhờ nhờ đồng loạt chuyển thành vàng xuộm. Quy trình nhuộm vàng cho gà chỉ là sau khi được cắt tiết, vặt lông, gà sẽ được nhúng vào hỗn hợp gồm nước sôi và bột sắt rồi nhấc lên. Màu vàng óng ả này bám trên da sẽ rất khó rửa, không phai màu nên gà bán từ sáng đến chiều vẫn bắt mắt.
Sau khi trải qua công đoạn tắm vàng, gà được chuyển đi tiêu thụ ở các chợ, con nào con nấy đều được tăng giá trị và được giới thiệu rất ngon lành: Gà này gà quê, gà đồi, gà nuôi ngô, gà chạy bộ… Trong khi đó, giá bán của những loại gà làm sẵn này so với những con gà còn sống, được nhốt trong lồng không chênh nhau đáng kể.
Chị Hải, người chuyên mổ gà giao cho các nhà hàng, các chợ trên địa bàn huyện Đông Anh cho biết, nếu gà ta có béo thì cũng không thể có được màu vàng đều từ đầu đến chân như thế mà chỉ vàng ở bụng. Phần lưng cũng vàng nhưng không đồng nhất với màu vàng ở bụng. Còn con nào mà có màu vàng xuộm, đều nhau tăm tắp từ đầu đến cuối thì nhất định là do được “tắm” bột sắt.
Có thể gây kích thích cho trẻ và gây ung thư
Mặc dù bột sắt tinh chế (loại màu vàng, đen, nâu) là hóa chất nằm trong danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng để điểm xuyết trên bề mặt một số sản phẩm thực phẩm bị lỗi, nhưng Bộ Y tế đã quy định rõ, đối với phụ gia được phép sử dụng, trên bao bì bao giờ cũng ghi rõ tên hóa chất, thành phần hóa học; tính năng kỹ thuật và tính chất vật lý (dạng lỏng hay rắn…); liều lượng, cách dùng (cho lúc nóng hay nguội…); tính độc với con người, độc với nồng độ bao nhiêu.
Việc sử dụng bột sắt để nhuộm vàng cho gà, nếu đúng liều lượng, hướng dẫn thì không quá lo lắng. Tuy nhiên, để tìm xem người bán đã dùng loại nào trong việc nhuộm màu vàng cho gà là rất khó. Thực tế có rất nhiều hoá chất khác nhau có thể dùng để nhuộm, đặc biệt các chất gốc azo thì rất độc, chúng có khả năng giải phóng vòng benzen, có thể gây ung thư, nhẹ thì có thể gây dị ứng. Với trẻ nhỏ việc hấp thụ quá nhiều có thể gây kích thích, hiếu động thái quá hoặc lơ đãng -  PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Giảng viên Viện Công nghệ Sinh học -  Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết.
Ngay cả khi sử dụng loại nằm trong danh mục mà dùng quá liều lượng cũng dẫn đến những hậu quả xấu. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, cơ thể con người chỉ có thể bài tiết khoảng 1,2mg sắt/ngày, bất kể hấp thụ nhiều hay ít. Khi sắt được hấp thụ lớn hơn lượng cần thiết của cơ thể dẫn đến sắt thừa được tích trữ trong gan ở dạng phức hợp sắt-protein là ferritin. Khi ferritin bão hoà, một phức hợp sắt khác là hemosiderin được giải phóng và có thể dẫn đến hàng loạt ảnh hưởng bất lợi lên các tế bào gan, dẫn tới ung thư gan; thức ăn chứa quá nhiều sắt không được hấp thụ hết có thể giải phóng các gốc oxy trong ruột, gây ung thư ruột thừa. Ngoài ra, sắt cũng gây suy thoái hệ thần kinh, gây ra ung thư vú, đái tháo đường, viêm khớp, tim mạch...
Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, các loại bột sắt công nghiệp là sản phẩm phổ biến dùng trong lĩnh vực xử lý bề mặt và mài mòn đánh bóng của ô tô, ngành hàng không, máy móc, nhựa, giày, da, gỗ, sản phẩm ngũ kim và các loại sản phẩm điện tử cao cấp... Bởi vậy, mọi người tuyệt đối không sử dụng bột sắt công nghiệp làm phụ gia thực phẩm vì không an toàn cho người sử dụng. Khi sử dụng thì có thể căn cứ vào số hiệu INS-mã số quốc tế về phụ gia thực phẩm in trên bao bì để biết chất này có được phép sử dụng hay không. Những loại không có ký hiệu INS trên bao bì đều là những hàng trôi nổi, không được phép sử dụng.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, Cục sẽ phối hợp Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm trung ương lấy mẫu thịt gà bị nhuộm phẩm màu để kiểm nghiệm. Đồng thời, ông Phong khuyến cáo, người dân chỉ nên mua thịt gia súc, gia cầm đã được cơ quan thú y đóng dấu kiểm nghiệm.

Vân Hà

Sharing is sexy

Related posts

0 nhận xét for this post

Leave a reply