'Cảnh báo thực phẩm mất an toàn vệ sinh thực phẩm, độc hại
Cư dân mạng Trung Quốc đang xôn xao trước thông tin về “loại quẩy có màu vàng rất đậm, dưới ánh sáng có thể nhìn rõ các hạt li ti lấp lánh, bẻ ra thấy rỗng ruột. Đó đích thị là quẩy làm từ…bột giặt”.
Thông tin gây sốc này đang lan nhanh như cháy rừng trên Internet. Theo "chỉ điểm" của một số thành viên mạng, các hộ sản xuất thiếu lương tâm đã trộn bột giặt vào bột mỳ và nhào nặn nên món ăn vặt ưa thích của giới trẻ. Thậm chí, các cư dân mạng còn tiết lộ, loại quẩy này có hương vị thơm ngon và hình dáng bắt mắt gấp bội những loại quẩy thông thường.
Các chuyên gia tiến hành chế biến quẩy với các nguyên liệu khác nhau để chứng thực thông tin đang lan truyền trên mạng.
Để tìm hiểu thực hư, phóng viên báo Đô thị Hoa Tây và các chuyên gia của trường cao đẳng nấu ăn Tứ Xuyên đã tiến hành thí nghiệm, tạo ra loại quẩy từ bột xà phòng.
Các chuyên gia lấy 500 gr bột mỳ, 4 gr bột nở, 4 gr bột nổi, 8 gr muối, cho thêm một quả trứng gà, 50 gr dầu tinh luyện và 280 gr nước vào nhào đều. Vài phút sau, bề mặt hỗn hợp bột trở nên bóng mịn.
Với loại bột thứ hai, họ dùng 500 gr bột mỳ, 8 gr bột giặt và các nguyên liệu phụ: trứng gà, dầu ăn và nước tương tự như trên nhào nặn và để lên men tự nhiên.
Sau đó, chuyên gia Tôn lấy ra một ít bột trong hỗn hợp thứ hai, cho thêm 4 gr bột nổi, nhào đều và để ở một góc khác. Sau 20 phút, chuyên gia Tôn dùng tay kiểm tra độ nở của ba hỗn hợp bột thì phát hiện hai loại sau có tốc độ nở cực nhanh.
Để tránh cho dầu ăn không bị nhiễm bẩn, các chuyên gia trước tiên chiên loại bột có nguyên liệu bình thường ở nhiệt độ 160 độ C. Những chiếc quẩy dài nhanh chóng nổi lên và phình thành hình dạng thuôn dài với sắc vàng vừa mắt.
Quẩy có nguyên liệu thông thường (ngoài cùng bên trái), quẩy có hỗn hợp bột mỳ, bột giặt và bột nổi rỗng ruột, quẩy từ bột mỳ và bột giặt (ngoài cùng bên phải) khô khốc, ruột đặc quẹo.
Hỗn hợp thứ hai có chứa nguyên liệu bột giặt thay cho bột nổi và bột nở sau khi thả vào chảo dầu đang sôi, thì chìm nghỉm dưới đáy chảo, tốc độ chiên vàng rất chậm, không có độ nở và bề mặt khô không khốc.
Cuối cùng, các chuyên gia đem chiên loại hỗn hợp thứ ba có sự pha trộn của bột mỳ, bột giặt và bột nổi. Loại quẩy này dần nổi lên khi chiên, nhưng chỉ cần dùng đũa chạm nhẹ đã bị đứt đoạn.
Sau khi thành phẩm, phóng viên phát hiện, loại quẩy làm từ nguyên liệu bình thường có độ dẻo vừa phải, ruột bên trong có những lỗ khí và kết dính như mạng nhện. Loại quẩy làm từ bột giặt và bột nổi khá giòn, nhưng không dẻo, chạm nhẹ đã vỡ, bên trong hổng hốc, không có dạng kết dính thông thường. Riêng loại quẩy bằng bột giặt thì có sắc trắng nhạt, không rỗng ruột mà là khối đặc và cứng.
“Loại quẩy như vậy làm sao tiêu thụ nổi trên thị trường? Thông tin này chỉ là một tin đồn thiếu căn cứ”, chuyên gia Tôn khẳng định.
Tuy nhiên, không ít cư dân mạng lên tiếng "phản pháo", để xác định thực hư, các cơ quan chức năng cần mục sở thị những cơ sở sản xuất, thu giữ quẩy và đem đi giám định. Đây chỉ là thí nghiệm, có thể, các hộ kinh doanh còn cho thêm các chất phụ gia khác để tạo ra loại quẩy trá hình này.
Giáo sư Lưu Văn Tông, chuyên gia an toàn thực phẩm của ĐH Tây Nam cho biết, bột giặt có chứa những thành phần hóa học độc hại. Nếu sử dụng sẽ gặp phải những phản ứng lâm sàng, dùng thường xuyên và với lượng nhiều sẽ có nguy cơ mắc bệnh.
Trên thực tế, thị trường Trung Quốc vẫn đang sử dụng loại quẩy có chứa phèn chua. Trong phèn chua có lượng lớn nhôm – nguyên tố kim loại độc thấp. Nếu sử dụng lâu dài sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Do vậy, các chuyên gia khuyến cáo, nên lựa chọn loại quẩy không chứa phèn để đảm bảo an toàn cho chính mình.
Hàng loạt vụ vận chuyển thịt thối tuồn vào TP.HCM được phát hiện đã gây tâm lý bất an cho người tiêu dùng. Đặc biệt, nhiều loại xe có thương hiệu hoặc xe chuyên dùng cũng tham gia chở thịt thối.
Sẽ ra sao nếu như số thịt thối này lọt vào các quán ăn, nhà hàng và người tiêu dùng sẽ ăn mà không hay biết gì? - Ảnh: Nguyễn Phúc
Thật khó để tưởng tượng, nhưng đối với một số nhà xe chạy tuyến Bắc - Nam hiện nay, “hành khách” yêu thích của họ là các loại thực phẩm, gồm: nội tạng gia súc, chân gà, móng lợn, đuôi bò… thối.
Theo lời khai của các tài xế lúc bị phát hiện thì hầu hết điểm đến của số “hành khách” không mấy thơm tho thường là ở các tỉnh phía Nam, đặc biệt là TP.HCM - thị trường tiêu thụ lớn nhất nước. Các chủ hàng sử dụng các loại xe chuyên chở thịt thối cũng rất đa dạng. Từ xe khách loại 12 chỗ ngồi, đến xe khách chất lượng cao, thậm chí là… xe cứu thương.
Nội tạng, chân, đuôi, tai trâu, bò thối…
Lúc 3 giờ sáng 28.10, trên QL1A đoạn qua xã Cam An (H.Cam Lộ, Quảng Trị), đội tuần tra 8.1 (Phòng CSGT, Công an tỉnh Quảng Trị) phát hiện chiếc xe khách 88H- 6634 chở trên khoang hành lý 12 thùng xốp với 600 kg nội tạng, chân, đuôi, tai trâu, bò bốc mùi hôi thối. Chiếc xe này xuất phát từ Vĩnh Phúc do Nguyễn Quốc Nhâm (SN 1969, trú Vĩnh Phúc) điều khiển có "nhiệm vụ” vận chuyển số thịt thối này vào TP.HCM.
Trước đó, xe khách 73L- 4850 do Nguyễn Văn Xá (SN 1955, trú P.Bắc Nghĩa, TP.Đồng Hới, Quảng Bình) cũng đã bị CSGT (Công an tỉnh Quảng Trị) bắt giữ ngày 24.5 trên QL1A (đoạn qua xã Vĩnh Chấp, H.Vĩnh Linh) khi đang chở 630 kg nội tạng động vật thối. Sau khi bị xử phạt 4 triệu đồng và tài xế Xá bị tạm giữ giấy phép lái xe 60 ngày, chủ xe tiếp tục giao xe cho một tài xế khác chạy thì một lần nữa bị cơ quan chức năng bắt giữ khi chở 350 kg nội tạng heo.
Ngày 19.9, đội tuần tra 1.9 (Phòng CSGT, Công an Quảng Trị) phát hiện xe khách “VIP” Yến Hải chạy tuyến Vientiane (Lào) - Quảng Nam mang BKS 43B-002.74, do Lâm Quang Dũng (SN 1980, trú Q.Thanh Khê, Đà Nẵng) điều khiển, chở theo 3 thùng đuôi bò, 5 thùng móng trâu thối, với tổng trọng lượng trên 500 kg.
Trung tá Nguyễn Văn Thủy (Đội phó Đội tuần tra 1.9) cũng cho biết: "Trước đó, ngày 10.9, chiếc xe này cũng đã bị chúng tôi bắt giữ vì chở theo 600 kg thịt gia súc thối tương tự. Nhưng sau khi bị xử phạt, nhà xe lại tiếp tục vi phạm…”.
Heo sữa, da heo, lòng gà… đổ về thành phố
Trong khi đó, tại TP.HCM, các cơ quan chức năng cũng liên tục phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển thịt thối.
Chỉ trong vòng nửa tháng, từ 16 - 31.10.2011, Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện 11 vụ vận chuyển gần hơn 4 tấn heo sữa, nội tạng, thịt, da heo, lòng, thịt gà… không dấu kiểm soát giết mổ, không giấy kiểm dịch sản phẩm động vật, không rõ nguồn gốc... Trong đó có 3 vụ tái phạm nghiêm trọng với tang vật bị phát hiện lên đến hơn 2 tấn thịt thối.
Bà Đặng Thị Tuyết, Trưởng trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức, cho biết: “Có nhiều vụ nhà xe chở thịt bẩn liên tục tái phạm, thậm chí khi bị phạt thì không thèm đến đóng tiền phạt”.
Điều đáng nói hơn là tham gia vận chuyển thịt thối có cả những xe khách có thương hiệu. Chẳng hạn khi xe mang biển số 53N-9339 (tài xế Nguyễn Văn Dũng, SN 1980, ngụ tại Thanh Hóa) vận chuyển trong khoang hành lý 12 thùng xốp gồm 636 kg chân trâu bò không rõ nguồn gốc về TP.HCM tiêu thụ thì lực lượng chức năng phát hiện toàn bộ lô hàng đã biến chất, bốc mùi hôi thối. Xe khách biển số 43B-000.39 (tài xế Lê Công Trình, SN 1982, ngụ tại Hà Tĩnh) cũng chở trong khoang hành khách 4 thùng xốp gồm 228 kg lòng heo không rõ nguồn gốc về TP.HCM tiêu thụ. Toàn bộ lô hàng cũng đã biến chất, bốc mùi hôi thối.
Ngày 5.11.2011, lực lượng chức năng còn phát hiện 3 trường hợp xe gắn máy chở sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không giấy chứng nhận kiểm dịch từ Đồng Nai về TP.HCM tiêu thụ. Tang vật vi phạm gồm 1.200 quả trứng vịt, 73 kg da heo và hơn 100 kg heo sữa đã bốc mùi…
Trạm thú y Bình Chánh khi phối hợp với Công an xã Phong Phú (H.Bình Chánh) kiểm tra tại địa chỉ B1/19 đường Tân Liêm, ấp 2, xã Phong Phú cũng phát hiện 19 con heo (238 kg) và 16 miếng thịt heo (127 kg) đã giết mổ, quầy thịt xuất huyết, đổ nhớt, biến chất...
Món chế biến từ thịt thối có thể gây ung thư
Trao đổi với PV, một chuyên gia về vệ sinh thực phẩm của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP.HCM, cho biết: “Những nguyên liệu như đuôi bò thường sẽ được dùng chế biến trong các món lẩu. Còn móng heo, móng bò, móng trâu thường dùng nấu lấy nước súp, nước lẩu. Chân gà thì chế biến thành chân gà rút xương, chân gà hấp hành, chân gà hầm vị thuốc, chân gà nướng. Các tạng phủ, bộ đồ lòng thường được chế biến làm các món nhậu...”.
Theo chuyên gia này, các sản phẩm thịt động vật cho dù không bị hư, không bị biến chất, nhưng nếu không qua khâu kiểm dịch thú y thì cũng rất nguy hiểm. Bởi đó có thể là những sản phẩm không rõ nguồn gốc, sản phẩm từ động vật mắc bệnh than, bệnh lở mồm long móng, nhiễm vi sinh, nhiễm vi khuẩn E.coli, hoặc heo mắc bệnh tai xanh, bệnh cúm... Do vậy, không được sử dụng, vì chắc chắn sẽ gây hại cho sức khỏe.
Còn nếu sản phẩm đã qua kiểm dịch, nhưng bảo quản, vận chuyển không đảm bảo ATVSTP khiến thịt, móng bị hư, hôi thối, biến chất thì càng nguy hiểm hơn. Khi đó, thịt đã bị biến chất sinh ra những độc tố, bị nhiễm vi sinh, nhiễm nhiều vi khuẩn đường ruột. Và khi chế biến có thể làm lây lan mầm bệnh ra cộng đồng rất nguy hại.T.T
Chỉ có thể làm... phân bón
Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, nguyên Phó viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM, nhấn mạnh: “Các loại thịt, sản phẩm động vật từ nội tạng, chân móng... một khi đã bị hôi thối thì chỉ có thể làm phân bón, tuyệt đối không được chế biến món ăn sử dụng cho người. Bởi vì thịt, nội tạng động vật khi đã hư, hôi thối, protein sẽ bị phân hủy, sản sinh ra rất nhiều độc chất. Nội tạng như gan bản thân nó là cơ quan xử lý độc chất cho cơ thể khi động vật còn sống, khi phân hủy như thế càng độc hơn nữa”.
Bác sĩ Trần Văn Ký, Hội Khoa học kỹ thuật ATVSTP VN, phân tích: “Cần phải làm rõ nguồn gốc những sản phẩm nội tạng động vật có xuất xứ từ đâu. Vì những bộ đồ lòng, nội tạng, chân móng động vật nhiều nước không sử dụng, là những thứ họ bỏ đi, để khỏi xử lý môi trường họ cho VN nhập về. Gan thì thường được làm patê; đuôi bò nấu cháo, nấu lẩu; bộ đồ lòng làm món nhậu. Để xử lý những sản phẩm động vật bị hư, hôi thối này, các quán ăn, nhà hàng thường cho hóa chất tẩy mùi và kèm hóa chất tẩy trắng. Rồi dùng phụ gia, phẩm màu, gia vị nồng độ thật nặng để chế biến thành các món ăn mà người tiêu dùng rất khó để nhận ra”.
Theo bác sĩ Ký, món ăn chế biến từ những sản phẩm động vật bị hư, hôi thối chẳng những không có tí chất dinh dưỡng nào, mà còn rất độc hại, và có nguy cơ gây ung thư cho người sử dụng.
Theo Thanh niên
Đậu nành, bắp rang cháy pha trộn cùng với hàng chục loại phụ gia, hương liệu hóa học được “phù phép” để thành các loại bột cà phê đóng gói sang trọng.
Công ty TNHH Thiên Tính chuyên sản xuất cà phê bột các loại, nằm ở khu dân cư ấp Đông Ba, xã Bình Hòa, Thuận An, Bình Dương. Xưởng rang của công ty rộng gần 150m2 với năm lò rang thủ công. Mỗi lò có thể rang được 150kg, hoạt động hết công suất có thể 3-4 tấn/ngày. Trong xưởng, từ lò rang, hơi xì xịt túa ra, mù mịt khói bụi và bồ hóng.
3 phần cà phê, 7 phần chất độn
Mẻ đậu đầu tiên ra lò, một công nhân tên Đực, phụ trách việc tẩm ướp, đứng chờ sẵn với hai xô hương liệu. Ông Đực giải thích: “Xô màu đen chứa 5kg đường cục và 25kg chất tạo màu caramen. Xô còn lại là hỗn hợp muối, rượu gạo và nước. Hai xô này tẩm cho một tạ rưỡi đậu nành”. Nói xong, ông ta xách hai xô hương liệu, rướn người đổ ụp vào khay trộn.
Chưa đầy một phút sau, những hạt đậu màu nâu thẫm rời rạc bỗng chốc đen xì và dính vào như có keo dán. Tiếp đến, đậu được đổ thẳng xuống nền gạch, hai công nhân mặc quần cụt, đi dép lê từ ngoài nhảy vào thoăn thoắt xúc đậu hất ra tứ phía. Đến phần thu dọn, gạch vụn bị cào bung lên lấm tấm với đậu nhưng không ai buồn nhặt, kể cả nhiều miếng gạch to bằng ngón tay cái. Tất cả đều được đổ vào máy xay trước khi tẩm hương liệu lần hai. Nhà vệ sinh nằm cạnh xưởng. Công nhân đi vệ sinh xong thản nhiên để nguyên cả dép bẩn đạp vào đám đậu như... múa võ.
Công đoạn hai cũng hãi hùng không kém. Đậu nành được đổ vào xay nhỏ rồi chuyển qua máy trộn để tẩm ướp hương liệu. Cạnh thùng phuy rực lửa, một công nhân trực tiếp bê từng thùng bơ công nghiệp màu vàng còn nguyên cả bọc nilông bên ngoài thảy vào thùng phuy đang sôi ùng ục. Bơ nóng chảy thành nước vàng.
Ông Ninh - trưởng nhóm công nhân - múc ra xô khoảng 4 lít tưới lên 150kg đậu. Ông ta cho biết cứ 150kg đậu nành phải cho thêm vào khoảng năm loại hóa chất, hương liệu để chế thành cà phê gồm đường hóa học: 1,2 lạng, vani: 0,5 lạng, tinh 72: 2 lạng, sữa thơm: 4 lạng...
Mỗi sáng, bà Thùy (vợ ông chủ cơ sở) dựa theo đơn đặt hàng của khách sẽ chỉ đạo công nhân pha chế các loại bột cà phê theo công thức cụ thể. Có tới 13 công thức pha chế, ứng với mỗi loại bột cà phê khác nhau. Bột cà phê có giá rẻ nhất (50.000 đồng/kg) chỉ có 16% là cà phê thật, còn lại đậu (chiếm 69%) và bột bắp (chiếm 15%). Ở công thức số 5: cà phê thật chiếm 22%, bắp chiếm 10% và đậu nành là 65%. Còn loại cà phê hảo hạng giá 200.000-300.000 đồng/kg chỉ có 30% là cà phê thật.
Để cho công nhân dễ nhớ 13 công thức, chủ cơ sở viết hẳn ra giấy một bảng liệt kê các công thức chi tiết dán lên tường. Các công nhân khi làm nếu lỡ quên thì chỉ việc nhìn vào đó để cân đong sao cho chính xác.
Cà phê không... cà phê
Cơ sở sản xuất cà phê của ông Chủng (quê ở Thanh Hóa) mang nhãn hiệu Hoàng Hữu, đường TCH 15, P.Tân Chánh Hiệp, Q.12, TP.HCM, có khả năng chế biến đậu nành, bắp rang với hóa chất trở thành cà phê mà không cần một hạt cà phê nào trộn vào. Mỗi ngày cơ sở này cung cấp cho các quán cà phê, các cửa hàng trong TP 400-500kg cà phê bột.
Thấy công nhân đứng lớ ngớ pha đậu, ông Chủng quát: “Tụi mày chia ba bao đậu nành, bắp được rang sẵn thành mỗi phần 24kg, cho vào khoảng 8 lạng hạt cà phê, rồi trộn đều lên xem nào”. Mỗi mẻ, ông ta cho vỏn vẹn 5kg cà phê hòa chung với 180kg bắp và đậu nành cháy cùng các phụ gia, hương liệu hóa chất là trở thành bột cà phê đóng gói ngay sau đó.
Loại bột cà phê pha trộn giá 50.000 đồng/kg mới có chút ít cà phê “phớt phớt” như vậy. Chứ loại cà phê có giá 40.000 đồng/kg chỉ rặt đậu nành và bắp trộn với phụ gia hóa chất là “phù phép” thành bột cà phê.
Chỉ với hai bao nhân tổng cộng 120kg, ông Chủng cho người trộn thêm vào hơn một can chất lỏng có mùi rượu, hai túi hóa chất bột màu vàng, một túi hóa chất bột màu trắng, hai túi bột hóa chất màu đỏ...
Theo giải thích của chính chủ cơ sở, đây là các phụ gia hóa chất, hương liệu caramen, CNC, đường hóa học, tinh cà phê, bơ công nghiệp... Mỗi túi khoảng 2 lạng. Pha xong, bột đậu nành, bắp rang đen xì bỗng chốc chuyển sang màu nâu có mùi cà phê thơm phức dù không hề có một hạt cà phê nào được trộn vào.
Giao hàng khắp nơi
Tại cơ sở của ông Chủng, cà phê được đóng gói thành phẩm chia thành hai loại, có đặc điểm phân biệt rõ ràng, loại một với giá 50.000-60.000 đồng/kg, loại hai giá 40.000-45.000 đồng/kg. Hằng ngày, nhóm thợ theo ông Chủng đi giao hàng khắp các quận, huyện như Q.12, Phú Nhuận, Gò Vấp, Hóc Môn, Củ Chi...
Ông Chủng dặn: “Nhớ khi chào hàng, cà phê có nhiều giá lắm, loại 50.000 đồng/kg không nhất thiết phải bán đúng giá, có thể nhích thêm một chút. Loại 40.000 đồng/kg cũng vậy”. Đến các quán cà phê lớn nhỏ, ông ta đều chào mời rằng cà phê của mình được sản xuất tại các công ty lớn ở Tây nguyên. Khá nhiều quán đồng ý mua hàng thường xuyên vì giá quá mềm lại được khuyến mãi thêm vài bịch (mỗi bịch 1kg) nếu mua nhiều.
Bà Ngọc Hà, chủ một quán cà phê gần cầu Sài Gòn, nhìn nhận: “Cà phê rẻ như vậy chắc cũng độn đủ thứ. Nhưng một ly cà phê tui bán có mấy ngàn đồng, mua hàng nguyên chất thì lấy lời sao được? Kệ nó, có mùi cà phê là được”. Nơi nào chê, ông Chủng cười khà khà, giải thích: “Trên Tây nguyên mấy bữa nay mưa nhiều quá, cà phê không phơi được, công ty toàn phải sấy. Do vậy nên không được thơm ngon lắm”.
Nguy hại cho sức khỏe
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, chi cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, cho biết các chất độn cà phê như bắp rang, đậu nành bị rang cháy đen sẽ rất có hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Cụ thể, nếu bắp, đậu nành khi bị rang cháy đen, có mùi khét thì hoàn toàn không còn giá trị dinh dưỡng.
Khi đậu được rang với nhiệt độ cao hoặc bắp cháy sẽ sinh ra nhiều loại chất độc hại. Trong đó, các chất như acrylamide, heterocyclic amines, HCAs... là những chất có khả năng gây ung thư cho người sử dụng.
Việc các cơ sở sản xuất lạm dụng nhiều chất phụ gia hóa chất với liều lượng quá nhiều sẽ gây nguy hại cho sức khỏe người dùng. Nếu cho quá nhiều đường hóa học sẽ dẫn tới triệu chứng tiêu chảy. Các chất phụ gia khác cho vượt mức nhiều lần sẽ gây tồn dư các kim loại nặng, các kim loại này sẽ lắng lại ở gan, ruột, thận và dẫn tới các bệnh lý ở các cơ quan này.
CHÍNH THÀNH - BÁ TÙNG/ Tuổi trẻ
(VTC News) – Món bỏng ngô mà nhiều bạn trẻ yêu thích lại được “nặn” bằng tay, dùng đường có ruồi chết.
Phóng viên VTC News đã ghi lại những hình ảnh ở một cơ sở sản xuất bỏng ngô tại ngã ba Vĩnh Tường, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
Ít ai ngờ, những miếng bỏng ngô ngọt lịm giá 10 nghìn đồng/1kg, lại được “chế” từ nồi đường chứa đầy…ruồi chết.
Người làm không đeo găng tay nhưng vẫn thản nhiên nặn những miếng bỏng ngô để đem đi bán.
Đây là nồi đựng đường đã được đun lên để cho vào bỏng, tạo vị ngọt.
Trong nồi đường này có đầy ruồi bậu ở trên và chết bên trong.
Cơ sở làm bỏng ngô này nằm ngay ven trục đường Hà Nội – Vĩnh Phúc – Phú Thọ. Khách đi đường rất dễ dừng chân và mua phải bỏng ngô được sản xuất mất vệ sinh như vậy.
(TNO) Chiều nay (1.12), Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết đã phát hiện ra chất malachite green và rhodamin lại được sử dụng trong sản xuất thực phẩm.
Rhodamin được phát hiện trong ớt bột, loại hũ 50g (lô hàng có ngày sản xuất 3.7.2011, hạn sử dụng 3.7.2012) của Công ty CP Sản xuất Đầu tư thương mại Thành Lộc, chi nhánh trên đường Cộng Hòa, phường 12, Q.Tân Bình, TP.HCM.
Malachite green được phát hiện trong mứt kaze lá dứa (thường được dùng làm bánh kem), loại hũ 1kg (lô hàng có ngày sản xuất 20.10.2011, hạn sử dụng 20.10.2012) của Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại Dịch vụ Mộc Thủy (đường TA09, tổ 10, khu phố 3, phường Thới An, Q.12).
Toàn bộ lô hàng bị phát hiện có chất độc hại của hai công ty trên đã bị niêm phong, cơ sở sản xuất kinh doanh bị đình chỉ hoạt động và buộc thu hồi sản phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên thị trường để tiêu hủy.
Rhodamin là loại phẩm màu dùng trong công nghiệp dệt và bị cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm do có khả năng gây ung thư cho người sử dụng.
"Cơn sốt" về tác hại của rhodamin "rộ" lên vào cuối năm 2009, đầu năm 2010 khi các cơ quan y tế tại nhiều địa phương trong cả nước phát hiện các cơ sở sản xuất sử dụng để nhuộm đỏ cho hạt dưa và ớt bột.
Còn malachite green là chất màu cực kỳ nguy hiểm, ở dạng bột, chỉ dùng trong công nghiệp. Các nghiên cứu cho thấy malachite green có thể gây ung thư, đặc biệt ở nữ giới.
Malachite green bị phát hiện sử dụng trong quy trình nhuộm màu cốm làng Vòng (Hà Nội) vào cuối tháng 10 vừa qua. Người sản xuất đã pha loãng hóa chất trên với nước rồi phun đều lên bề mặt để cốm xanh đẹp.
Cả hai chất rhodamin và malachite green đều hoàn toàn bị cấm sử dụng trong thực phẩm.
Còn hạn sử dụng đến ngày 16/12/2012 nhưng khi bóc hộp bánh trứng Custard Calee ra ăn, chị Hương suýt nôn ọe vì bánh bị mốc và bốc mùi chua nồng nặc.
Phản ánh tới báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, chị Lan Hương (số nhà 20 ngách 64/65 Nguyễn Lương Bằng) cho biết: Ngày 2/11/2011, chị đưa con đến bệnh viện Nhi Trung ương, đường Đê La Thành (Hà Nội) để khám bệnh.
Lúc ra về, chị ghé vào cửa hàng tạp hóa tại cổng bệnh viện mua một hộp bánh trứng Thái Custard Calee với giá 48.000 đồng. Từ trước đến nay, chị vẫn thường mua bánh loại này cho con nên rất tin tưởng, hầu như không kiểm tra trước khi ăn, hơn nữa nhìn thấy hạn sử dụng là ngày 16/12/2012, chị rất yên tâm lấy bánh ăn cùng con.
Nhưng lần này, "khi bóc 1 cái bánh trong hộp đưa vào miệng, mùi chua nồng nặc sộc thẳng vào họng khiến tôi suýt buồn nôn", chị Hương phản ánh. Bóc hết vỏ bánh ra nhìn kỹ, chị Hương tá hỏa khi nhìn thấy những đốm mốc to nổi đầy trên mặt bánh.
"Do không để ý nên cháu nhỏ nhà tôi đã ăn hết cái bánh. Mặc dù đến giờ cháu vẫn không việc gì nhưng cả hộp bánh 12 cái mà có đến 4 cái bị mốc thì không thể chấp nhận được", chị Hương lo lắng.
Nhận được phản ánh của chị Hương và thể theo mong muốn của chị, phóng viên đã cùng chị đến cửa hàng hôm trước chị mua bánh để kiểm tra xem còn có bao nhiêu hộp bánh bị mốc như chị đã mua.
Tại đây, khi chúng tôi hỏi mua hộp bánh trứng Thái hiệu Euro Castard Calee, chị chủ cửa hàng tên Huyền vui vẻ lấy ra một hộp bánh mới, còn nguyên giấy bóng kính bọc ngoài cùng. Trước sự chứng kiến của rất nhiều người cũng như chủ cửa hàng, chúng tôi bóc hộp bánh ra và tiếp tục phát hiện có ba chiếc bánh bị mốc. Khi lấy thêm một hộp nữa, lại phát hiện thêm 2 chiếc bị mốc và bốc mùi chua nồng nặc.
Chị Huyền cho biết: Từ trước đến nay chưa hề xảy ra một trường hợp nào như thế này. “Thật sự tôi cũng không biết vì mình chỉ là người bán hàng, chỉ nhập hàng về và bán”. Khi được hỏi là chị nhập hàng ở đâu và lâu chưa, chị Huyền cho biết lâu nay oại bánh này hết hàng và chị cũng chỉ mới nhập 10 hộp ngày 2/11 từ một đại lý ở địa chỉ số 55 Dốc Phụ sản (Giảng Võ, Hà Nội).
Để minh chứng cho việc mình mua hàng ở địa chỉ trên, chị Huyền đã gọi nhân viên đại lý đến giao 2 thùng sữa chua Vinamilk. Gặp cậu nhân viên, chị Huyền phản ánh hiện tượng bánh mốc nhưng người nhân viên giao hàng cho rằng, sự việc này phải hỏi chủ hàng mơi biết.
Cửa hàng bánh bánh Phấn Hiền là nơi cung cấp, và nhập bánh trứng Thái Euro Custard Calee tại số 4 hàng Buồm để bán lẽ và nhập cho các cửa hàng nhỏ lẻ
Cùng chị Huyền đến đại lý 55 Dốc Phụ sản để tìm hiểu nguồn gốc các hộp bánh Custard, chúng tôi được chị Hiền - chủ cửa hàng thừa nhận: hàng hóa do công ty chồng chị nhập về và chị chỉ biết bán hàng thôi chứ không “để ý” là có loại bánh đó hay không. Hện anh Phấn - chồng chị Hiền - không ở nhà nên PV phải liên hệ với anh qua điện thoại.
Khi nghe chị Huyền trình bày về hiện tượng nhiều hộp bánh Custard bị mốc và muốn hỏi anh xuất xứ nguồn hàng này, anh Phấn cho biết, anh nhập hàng từ số 4 Hàng Buồm (Hà Nội), còn hóa đơn, anh chỉ cần đọc qua xem có thấy khớp giá không và đã… xé vứt đi rồi?!
Chúng tôi thắc mắc là tại sao cả chị Huyền và chị Hiền nhập hàng nhưng không có hóa đơn chứng từ, cả hai chị đều cho rằng do mối hàng đã quen nên tin tưởng giao hàng cho nhau thôi.
Điều khiến chị Hương lo lắng nhất là đại lý chị Hiền đã nhập bao nhiêu hộp bánh này và đã phân phối ra thị trường bao nhiêu hộp? Liệu còn khách hàng nào ăn phải loại bánh bị nấm mốc này không bởi chỉ mới trong số 10 hộp chị Huyền nhập về thì chị Hương đã mua 3 hộp và mỗi hộp đều có ít nhất 2 cái bị mốc, vậy những hộp còn lại sẽ như thế nào?
Để giải đáp thắc mắc này,sáng ngày 8/11, sau khi liên hệ, chúng tôi đã có buổi trao đổi với anh Phấn - chủ cửa hàng cùng anh Lê Thế Chiến - giám đốc đại diện nhà nhập khẩu, phân phối bánh Custard Calee tại Hà Nội.
Tại đây, anh Chiến thừa nhận đây đúng là sản phẩm được nhập từ công ty anh và công ty sẽ có trách nhiệm thu hồi, chỉ đạo ngừng bán những sản phẩm có cùng lô hàng được khách hàng phản ánh bị hỏng. Đây là trường hợp phản ánh đầu tiên mà công ty anh nhận được vì bánh Thái Custard Calee không phải sản xuất ở Việt Nam, có thể khâu bảo quản không được tốt đã dẫn đến tình trạng này.
Theo anh Lê Thế Chiến, đây là trường hợp bánh mốc đầu tiên mà hãng bánh Thái Custard Calee gặp phải.
Cũng theo anh Chiến, tại nhà máy sản xuất bên Thái Lan, quy trình sản xuất rất chặt chẽ với công nghệ châu Âu. Cứ 10 phút lấy một bánh mẫu cho vào hộp bảo quản, đúng 18 tháng, bánh không có vấn đề gì mới bỏ đi sau khi hết hạn sử dụng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, khi chiếc bánh bị hỏng thì có khả năng cả lô hàng đó cũng bị hỏng, nếu vậy nhà máy sẽ báo lại cho các nhà nhập khẩu, phân phối.
Theo anh Chiến: "Vụ việc xảy ra ngoài ý muốn, chúng tôi sẽ hợp tác với khách hàng và báo cáo với cơ quan chức năng để điều tra xem tại sao lại bị mốc".
Hiện nay thị trường bánh mứt kẹo Việt Nam đang diễn biến khá phức tạp. Càng về cuối năm, nhu cầu bánh mứt kẹo của người dân càng lớn, theo chị Hương, khách hàng phản ánh hiện tượng bánh Custard bị mốc, chị phản ánh vụ việc này chỉ với mong muốn duy nhất góp phần cảnh báo, giúp những người tiêu dùng như chị cẩn trọng hơn trong việc tìm hiểu nguồn gốc các sản phẩm mình sử dụng, đặc biệt là các loại thực phẩm ăn sẵn nhằm bảo vệ sức khỏe gia đình mình
Bên cạnh đó, chị cũng mong muốn những hiện tượng này cần được người tiêu dùng và các đơn vị liên quan làm rõ để bảo vệ chính quyền lợi của mình.
Theo Trần Nguyên - Bảo Anh
GDVN
Đó là những nghi ngờ của nhiều người dân trước tình trạng trẻ em, nhất là bé gái, dậy thì sớm. Còn ở phương diện khoa học, TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Siêu vi trùng, Viện Thú y Việt Nam cho rằng, sử dụng chất kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi gia súc và gia cầm sẽ có tác hại đối với sức khoẻ con người ở mức nhất định. Có thể phát hiện ra thịt có sử dụng các chất này nếu "nhạy" mùi.
Chất kích thích = Thuốc chữa hen cho lợn
Có hai loại hormon sinh trưởng là hormon tự nhiên và hormon nhân tạo. Hormon tự nhiên là từ con vật tiết ra và thường được bán với giá rất đắt. Còn hormon hóa học có các loại như clenbuterol và testosterol, progesterol... được sản xuất từ các nước phát triển thường được sử dụng làm thuốc kích thích tăng trọng trong chăn nuôi.
Theo các tài liệu nghiên cứu, chất kích thích tăng trọng ở lợn có chứa chất hormon sinh dục nam. Thuốc kích thích tăng trưởng sẽ làm cho ruột nhu động mạnh hơn, sau đó phát tán ra các cơ thể của lợn. Tại mỗi một bộ phận thuốc sẽ có tác dụng khác nhau, ví dụ cơ bắp bắt đầu có sự chuyển đổi và phát triển mạnh, mỡ bị đốt để nạc hơn. Nhiều người cho rằng chất kích thích này sẽ tích tụ ở gan nhưng không hoàn toàn như vậy mà nó sẽ phân bố ở tất cả cơ thể gia súc gia cầm.
Đến nay, Bộ NN&PTNT đã cấm tuyệt đối không được nhập khẩu và sử dụng. Tuy nhiên, vẫn còn trường hợp lén lút nhập về sử dụng trong chăn nuôi. Thuốc có tác dụng chữa hen cho lợn cũng như trộn vào cùng với thức ăn với lượng rất thấp dưới dạng bán lẻ nên cơ quan chức năng khó phát hiện.
Bé gái mọc râu và hung hăng?
Thịt lợn được sử dụng thuốc kích thích sẽ có mùi khó chịu như mùi thịt lợn đực. Sau khi nấu thịt không có mùi thơm mà hôi, hắc khó ăn. Theo quy định trong chăn nuôi, lợn đực giống, nếu giết mổ làm thực phẩm phải thiến đi trước đó rất lâu mới đỡ mùi và không gây hậu quả xấu cho người sử dụng. Nhà tôi thỉnh thoảng vẫn mua phải thịt lợn có sử dụng chất kích thích tăng trưởng. Khi ăn có thể phát hiện ra ngay loại thịt này.
Nhiều người nghĩ luộc qua và đổ nước đi để loại bỏ các chất có trong thịt sau đó mới xào nấu, theo tôi cũng có thể hạn chế bớt đi một phần nhưng không thể loại bỏ được tất cả. Bằng cảm quan không thể phát hiện ra lợn sử dụng thuốc kích thích hay không. Chỉ phát hiện được khi đã nấu lên với những người quen và nhạy mùi.
Vì chất tăng trọng có các chất có hoạt tính giống như hormon sinh dục nam nên khi ăn chất kích thích, lợn cũng sẽ phát triển có các nét tương đồng như sự phát triển của nam giới. Một số người cho rằng, bé gái ăn phải thịt lợn có chứa chất này sẽ phát triển giống như con trai (phát triển cơ bắp, tính tình hung hăng, phát triển lông mao như con trai...). Tuy nhiên, vấn đề này vẫn chưa được nghiên cứu và chứng minh cụ thể.
Trên thế giới, các chất kích thích này vẫn được sử dụng cho người với mục đích thể thao. Những người sử dụng Clenbutirol (thường gọi là Clen) thường là các vận động động viên luyện tập thể hình nhằm mục đích đốt mỡ, nổi cơ bắp.
Theo tài liệu thuộc Viện Dinh dưỡng Quốc gia, chất Clenbuterol gần đây được coi là chất siêu tăng trọng giúp thịt nạc. Chất này được dùng trước khi gia súc xuất chuồng khoảng 21 ngày. Tác hại của Clenbuterol có tính lâu dài khó nhận thấy. Sau khi sử dụng với với nồng độ cao có thể gây rối loạn nhịp tim, tổn thương tế bào cơ tim, run cơ, tăng huyết áp và có thể gây đột biến tế bào, tạo điều kiện phát triển các khối u ác tính.
PN - Nhiều năm nay, hơn 10 hộ sản xuất sương sâm tại hẻm 59 và hẻm 71 (Trần Phú, P.4, Q.5, TP.HCM) là đầu mối phân phối sỉ lẻ sản phẩm cho các chợ trên địa bàn thành phố. Chúng tôi không khỏi rợn người khi chứng kiến “công nghệ” sản xuất của những người dân nơi đây. Trong khi đó, cơ quan quản lý lại buông lỏng kiểm soát.
Chân trần và “bột trắng”
Cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh những hộp nhựa đựng sương sâm, sương sáo không nắp đậy nằm la liệt trên nền đất. Qua giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà chị L., một đầu mối sản xuất cung cấp sản phẩm. Tại đây, chậu nước, ca nhựa… ngả màu vàng ố nằm ngổn ngang, nước chảy lênh láng. Tất cả các công đoạn chế biến của hộ chị L. đều diễn ra ở… ngoài đường, bất chấp xe cộ qua lại phả đầy khói bụi. Trước khi bỏ lá sương sâm vào máy xay, hai người phụ nữ cho lá vào thau nhựa rồi đứng luôn vào thau, dùng chân trần nứt nẻ đạp đi đạp lại cho lá dập nát. Kinh hoàng hơn là khi có việc đi ra ngoài, không ai mang dép, sau đó quay lại nhúng luôn chân vào trong thau lá!
Phơi lá sương sâm ngay dưới đất
Sau công đoạn đạp nát, lá sương sâm được đổ vào chiếc máy xay cáu bẩn đặt cạnh đó. Để lấy được nước cốt lá sương sâm, người ta dùng một lớp vải lớn đen kịt bịt trên miệng một thùng phuy để lọc. Tiếp đến, chị L. xúc ba muỗng bột trắng phau như bột xà bông bỏ vào thau nhựa, pha loãng rồi đổ vào nước cốt lá sương sâm. Hai người phụ nữ dùng tay đảo liên tục cho dung dịch trên hòa đều rồi rót thành phẩm vào những chiếc ca nhựa, vỏ lon bia. Chị L. cho biết, mỗi ngày làm trên 1.000 hộp giao cho mối ở các chợ với giá 1.300đ/lon, bịch 0,5kg giá 5.000đ.
Một số nhân công “bật mí” cho biết, thứ bột trắng đó là thạch cao - bí quyết để những miếng sương sâm xanh mịn, mềm dai. Một người giúp việc của chị L. “nói nhỏ”: “Lá sương sâm 70.000đ/kg mua về phải phơi hơi héo thì làm ra mới ngon. Xóm này chuyên làm sương sâm nhiều năm nay với nguồn lá sương sâm ổn định”. Chị này còn mách, không nên trộn nhiều thạch cao quá vì sương sâm sẽ nhanh đông cứng mà lại để không lâu. Dùng lượng vừa phải thì một - hai tiếng, sương sâm đã đông, có thể bán trong thời gian một - hai ngày.
Bỏ thạch cao (hộp đựng bột trắng) để làm đông sương sâm
Lòng vòng trong hai con hẻm này, chúng tôi bắt gặp cảnh phơi phóng lá sương sâm bừa bãi dưới nền đất. Nhiều người còn “mượn” luôn mặt đường làm chỗ vò, đạp lá sương sâm, bất kể chất thải của chó mèo lẫn bụi bặm xung quanh.
Tại nhà anh C., một điểm sản xuất lớn ở khu vực này, từ bên ngoài, chúng tôi nhận thấy những chiếc hộp nhựa đặt dưới sàn nhà ẩm nước. Hai người đàn ông cởi trần trùng trục ngồi hứng sản phẩm chảy ra từ một chiếc vòi nhựa. Toàn bộ sương sâm thành phẩm được rót ra hộp nhựa không hề được đậy nắp. Khi thấy trời chuyển mưa, người nhà của anh C. vội vã đem hai tấm ni lông ố vàng ra đậy lên. Thấy chúng tôi lưỡng lự, dò hỏi, vợ anh C. nổi cáu: “Nếu mua thì đặt hàng liền, không thì thôi. Không ai rảnh đâu mà nói chuyện”…
Mất vệ sinh, độc hại
Theo BS Nguyễn Xuân Mai - nguyên Phó viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất các sản phẩm này. Nếu dùng thạch cao công nghiệp cho vào sản phẩm sẽ rất nguy hiểm, gây hại cho sức khỏe người dùng vì trong đó có lẫn kim loại nặng, khoáng chất độc hại.
BS Trần Văn Ký - Văn phòng phía Nam Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm VN, cho biết, thạch cao chứa nhiều tạp chất độc hại, không phải là phụ gia thực phẩm, không được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm. Việc phơi lá sương sâm, sản xuất thủ công mất vệ sinh cũng làm cho sản phẩm nhiễm vi sinh, gây rối loạn tiêu hóa cho người sử dụng. Chưa kể người tham gia sản xuất không khám sức khỏe, nếu có bệnh sẽ lây nhiễm vào sản phẩm.
Sương sâm là món ăn được nhiều người ưa chuộng nhưng mấy ai biết quy trình sản xuất rất mất vệ sinh - Ảnh: Phùng Huy
Sương sâm là thực phẩm chế biến ăn liền, dù không thuộc diện phải công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm nhưng quy trình sản xuất phải tuân thủ đúng các nguyên tắc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Cảnh phơi phóng lá sương sâm, chế biến sản phẩm mất vệ sinh diễn ra hàng ngày tại khu vực này nhưng được biết, từ đầu năm đến nay, không có bất kỳ đoàn kiểm tra nào giám sát, nhắc nhở các hộ sản xuất trên. Chính quyền địa phương thì cho rằng các hộ này sản xuất nhỏ lẻ, không đăng ký kinh doanh nên không thẩm định cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP.
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP.HCM cho biết, các cơ sở sản xuất dạng hộ gia đình nhỏ lẻ dù không đăng ký kinh doanh nhưng phường phải kiểm tra, giám sát. Người tham gia sản xuất phải được khám sức khỏe, tập huấn kiến thức ATVSTP. Thực tế, hơn 10 hộ sản xuất sương sâm từ nhiều năm nay thuộc địa bàn P.4, Q.5 quản lý và nằm cách không xa UBND phường, trạm y tế phường nhưng không hề bị kiểm soát. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Minh Sang - Chủ tịch UBND P.4, thừa nhận: “Việc các hộ sản xuất, phân phối sương sâm chưa hợp vệ sinh, chúng tôi chưa sâu sát chỉ đạo kiểm tra nhắc nhở. Sắp tới chúng tôi sẽ tập trung giám sát, tăng cường kiểm tra để chấn chỉnh ngay. Bên cạnh nhắc nhở các hộ làm cam kết tuân thủ đúng các quy định ATVSTP trong sản xuất, chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện hỗ trợ vốn cho các hộ chuyển đổi từ sản xuất thủ công sang sản xuất bằng máy để sản phẩm làm ra đảm bảo ATVSTP”.
Nga My - Nguyễn Cẩm
(VTC News) – Phản ánh tới Báo điện tử VTC News, một khách hàng phía Nam cho biết, mình đã mua phải lô hàng hàng ngàn chai Dr Thanh bị hỏng, vẩn đục, nước sủi bọt hoặc bên trong chai có dị vật.
Cụ thể, anh Dũng và anh Viện cho biết: Cách đây khoảng 5 tháng trước, hai anh có nhập lô hàng trà thảo mộc Dr Thanh từ nhiều nhà phân phối khác nhau để xuất đi Campuchia và bán lẻ cho các đại lý tại TP.HCM và 1 số tỉnh khác.
Thế nhưng, đầu tháng 8 vừa qua, các anh Dũng, Viên đã phát hiện hàng loạt sự cố đối với lô hàng này như đóng cặn màu trắng đục, xuất hiện nhiều bọt sủi, và điều đáng nói là có dị vật ở bên trong chai nước, dù rằng không có bất kì chai nước nào đã được khui ra.
Theo lời “tố” của anh Viện, thì các sản phẩm lỗi không chỉ ở 120 thùng Dr Thanh còn lại trong kho hàng của công ty mà cả những lô hàng đã xuất sang Campuchia song bị đối tác trả về phải tiêu huỷ trị giá hơn 2 tỷ đồng. Ngoài ra, cũng cùng lô hàng này, đã có vài ngàn chai trà Dr Thanh khác được bán ra thị trường ở TP.HCM, và sau đó có không dưới 10 khách hàng khác nhau gọi điện thoại hoặc đến trực tiếp gặp các anh để phản ánh chất lượng chai nước có vấn đề.
Anh Lê Văn Viện và lô hàng hàng ngàn chai trà Dr Thanh bị lỗi, hư.
Chiều 31/10, nhóm PV VTC News đã có mặt tại kho hàng ở quận 7 của Công ty Thái Lân, nơi đang cất giữ “vật chứng” là hơn 120 thùng trà Dr Thanh (gần 3.000 chai). VTC News ghi nhận đây là loại chai pet 500ml, ngày sản xuất 24/05/2011 và thời hạn sử dụng trong vòng 1 năm. Toàn bộ các chai nước đều còn nguyên niêm phong nắp của đơn vị sản xuất.
Điều đáng nói hơn, anh Viện nhấn mạnh với chúng tôi là toàn bộ số thùng trà thảo mộc Dr Thanh anh đang giữ đều “có vấn đề”. Các chai nước đều vẩn đục, sủi nhiều bọt trắng trên nắp chai 1 cách bất thường, hoặc là có cặn dưới đáy chai. Và thêm nữa, có chai còn xuất hiện dị vật 1 chiếc lá cây nhỏ ở đầu chai, hoặc cả bông gòn màu trắng ở gần cuối chai. Thùng nào cũng có ít nhất vài chai nước bị hư.
6 trong tổng số hàng hàng ngàn chai trà Dr Thanh của lô hàng nói trên bị sủi nhiều bọt trắng 1 cách bất thường.
Bày tỏ quan điểm của mình tới VTC News, chủ lô hàng các chai trà thảo mộc Dr Thanh nói trên cho rằng đây là 1 sự cố nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến công việc làm ăn, kinh doanh buôn bán và uy tín của DN.
Đồng thời, anh Viện và anh Dũng cũng khẳng định qua sự cố này, các cơ quan chức năng cần thiết phải vào cuộc, xem xét lại đến chất lượng các chai trà thảo mộc Dr Thanh nói trên, tìm hiểu nguyên nhân bị hư. Song song đó, hai anh cũng đề nghị chuyên mục Bảo vệ người tiêu dùng – Báo điện tử VTC News vào cuộc, lên tiếng phản ánh vụ việc này cho người tiêu dùng được biết, để phòng tránh các trường hợp tương tự có thể xảy ra, hay có sự lựa chọn chính xác hơn cho mình khi sử dụng các loại nước giải khát để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tân Hiệp Phát thừa nhận sản phẩm lỗi là có thật
1 trong số các chai trà Dr Thanh bị hư, có vật thể lạ là bông gòn màu trắng ở gần cuối chai.
Xác nhận với chúng tôi vào chiều ngày 31/10, ông Phạm Long Minh – GĐ đối ngoại của Tập đoàn Tân Hiệp Phát (đơn vị quản lý nhãn hiệu Dr Thanh) trả lời sự việc lô hàng này bị hư là có thật. Cũng theo ông Minh, Tân Hiệp Phát đã biết sự việc này từ khá lâu, đã cử nhân viên và trợ lý Tổng GĐ đến làm việc với đại diện Công ty Thái Lân, nhưng kết quả vẫn chưa thể giải quyết vụ việc. Lí do là theo ông Minh cho biết, đại diện phía Công ty Thái Lân đòi Tân Hiệp Phát đưa cho 1 số tiền khá lớn để đền bù sự thiệt hại của lô hàng, nhưng khi phía Tân Hiệp Phát đề nghị Thái Lân cung cấp các giấy tờ, hóa đơn chứng từ có liên quan để làm căn cứ chi tiền thì phía Thái Lân không đưa ra được.
Thậm chí, theo đại diện Tân Hiệp Phát, rất nhiều lần nhân viên của Tập đoàn này xuống làm việc mà hai anh Dũng – Viện không đồng ý kí vào biên bản, nên Tân Hiệp Phát cũng không biết xử trí thế nào.
Cũng chai trà Dr Thanh nói trên lại xuất hiện một chiếc lá nhỏ ở đầu chai.
Về vấn đề này, phía Công ty Thái Lân đã nói không phải cái gì cũng có thể căn cứ vào giấy tờ, hóa đơn sổ sách để chứng minh, có những điều thiệt hại vô hình, mất niềm tin, thiệt hại về uy tín đối với bạn hàng, thiệt hại đối sức khỏe của người tiêu dùng…
“Nếu muốn, Tân Hiệp Phát có thể làm việc trên tinh thần hỗ trợ về mặt tài chính cho Thái Lân, chứ còn trên thực tế mà tôi thấy được thì Tân Hiệp Phát hoàn toàn không có thiện chí làm việc này…” – đại diện phía Thái Lân nói.
1 chai trà Dr Thanh khác trong lô hàng nói trên đáy chai bị căng phồng, xuất hiện nước đục ngầu khác thường.
Cung cấp thêm thông tin cho VTC News, anh Trần Văn Dũng cho biết, trong 1 lần làm việc với phía Thái Lân, đại diện cho Tập đoàn Tân Hiệp Phát (trợ lí Tổng GĐ) cũng xác nhận lô hàng bị lỗi trên là của đơn vị này và chính xác hơn thì vị này đã nhấn mạnh lô hàng này đã bị hư. Cũng trong lần làm việc ấy, phía Tân Hiệp Phát đã mong phía Thái Lân thông cảm, giúp đỡ cho Tân Hiệp Phát giải quyết trên tinh thần giúp đỡ nhau để không ảnh hưởng đến đời sống của hàng ngàn công nhân làm việc tại nhà máy và cả những đối tác của đơn vị này.
Trả lời cho Tân Hiệp Phát việc này, anh Dũng không đồng ý với lí do mà vị trợ lí Tổng GĐ Tân Hiệp Phát đưa ra, và đã nói thiệt hại của phía Thái Lân là quá lớn. Cái lớn hơn nữa, anh Trần Văn Dũng đang rất lo lắng cho sức khỏe của người tiêu dùng tại Việt Nam khi đang hàng ngày, hàng giờ uống loại trà thảo mộc Dr Thanh của nhà sản xuất Tân Hiệp Phát.
Vụ việc đến thời điểm này vẫn chưa ngã ngũ, cả 2 phía cho đạt được 1 thoả thuận nào, tuy nhiên, vấn đề lớn hơn như phía Công ty Thái Lân cho biết đó là lô sản phẩm hàng chục ngàn chai đã tung ra thị trường sẽ ảnh hưởng thế nào đến sức khoẻ người tiêu dùng ở Việt Nam, và có thể cả những đối tác ngoài Việt Nam khác. VTC News sẽ tiếp tục làm rõ vụ việc gây chấn động ngành giải khát này…
Việt Dũng – Phan Cường
Vụ việc vừa được một người đàn ông họ Hoàng ở thành phố Tương Đàm, Hồ Nam, Trung Quốc báo với cơ quan kiểm định an toàn thực phẩm ở địa phương cuối tháng 10, sau khi anh này ăn phải tai lợn mà anh nghi ngờ là đồ giả.
Tai lợn nghi là giả được phát hiện tại Tương Đàm, Hồ Bắc, Trung Quốc.
Ông Hoàng cho biết, hôm 30.10, mình có mua hơn 1 kg tai lợn tại một khu chợ ở quận Vũ Hồ, Tương Đàm, tổng cộng hết 25 nhân dân tệ. Sau khi chế biến, cắn thử một miếng đã có cảm giác khác lạ “nhạt nhẽo, không có mùi và vị ngọt của thịt, nên không ăn nữa”.
Và ông Hoàng đã mang số tai lợn này đến Trung tâm kiểm nghiệm ở địa phương để kiểm tra.
Qua thử nghiệm, nhân viên của trung tâm thấy rằng, phần bì bên ngoài tai dễ bong, cắt dọc tai lợn phát hiện sợi cấu trúc khác lạ so với tai lợn bình thường, không có các hạt chất béo, không có mạch máu trong khi tai lợn bình thường có sụn và lớp mỡ dưới da. Sau đó, một nhân viên thanh tra lấy một miếng nhỏ tai lợn đem đốt thì miếng thịt liền tan chảy và có mùi kiềm
Được biết, vào hôm 1.11, các nhân viên thị trường của thành phố Tương Đàm đã tiến hành cuộc kiểm tra bất ngờ tại các khu chợ ở địa phương, tiến hành thu giữ tai lợn tại nhiều cửa hàng để kiểm tra.
Hàn Giang
Theo Xinhua
Sau nhiều lần "hóa trang" chúng tôi mới tiếp cận được một lò bún bẩn cung cấp hàng chục tấn bún mỗi ngày cho thành phố.
"Tận mục sở thị" cảnh chế biến bún bẩn chúng tôi mới biết những sợi bún trắng nõn nà được trộn lẫn với nhiều loại hóa chất độc hại.
Bột tẩy đường, làm dai, xốp, bảo quản lâu.
Tại Đồng Nai có hai lò chế biến bún bẩn nổi tiếng với "công nghệ kinh dị" là lò bún của U.L (huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) và bà Y. (thị xã Long Khánh, Đồng Nai). Lò bún của bà U.L thuộc ấp Nam Hà, xã Xuân Bảo, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai nhưng hằng ngày vẫn cung ứng cho thị trường TP HCM cũng như Đồng Nai hàng chục tấn bún bẩn.
Tại lò, nhiều táng bún nóng hổi vừa được chế biến xếp la liệt dưới đất. Hàng chục chiếc rổ nhựa đầy bún để ngay phía dưới nền nhà ướt át, dơ bẩn. Hãi hùng hơn, dưới nền nhà có rất nhiều bao bột được chế biến ướt nhẹp, đóng thành từng tảng bắt đầu được đưa vào chế biến. Bà U.L cho biết trước khi đưa vào đánh thì phải cho bột tẩy trắng, bột làm dai và phụ gia bảo quản thì bún mới có chất lượng và để lâu được.
Còn những nhà hàng nào muốn cho thực khách ăn bún thơm thì chỉ cần cho thêm dung dịch "Hương nếp" vào là bảo đảm bún thơm phức mùi gạo nếp thượng hạng. Theo bà U.L, một mẻ 50kg bún thì cho khoảng 200ml bột nếp, 100gr chất dai, 100gr chất nở, 200gr trứng mốc (chất bảo quản chống thiu), 2 muỗm bột vàng (còn gọi là Tinopal - chất tẩy) là bún vừa thơm và có thể để hàng tuần không thiu.
Những rổ bún được sắp lên xe để mang đi tiêu thụ.
Chúng tôi tiếp tục thâm nhập xưởng chế biến của bà Y - một lò bún nổi tiếng ở thị xã Long Khánh, Đồng Nai cung cấp cho thị trường hàng chục tấn mỗi ngày. Bà Y khoe, bún để 2-3 ngày không thiu vì được tẩm hóa chất. Bà Y nói như đinh đóng cột: "Nếu các anh làm ăn lớn, mua số lượng 500kg/ngày thì tôi để chắc giá 7.000đ/kg. Bao nhiêu tấn bún cũng có". Sau khi ra về, chúng tôi thấy một số công nhân đang ăn mì tôm. Khi được hỏi, sao không ăn bún thì nhận được câu trả lời: "Ăn bún ở đây ngắn sống lắm!"...
Sau khi tìm hiểu thông tin của một số thương lái, chúng tôi đến "Cửa hàng hoá chất H.H - chuyên mua bán các loại hoá chất: Tẩy rửa màu - mùi - thực phẩm, công nghiệp" do bà chủ tên H (khoảng 40 tuổi, ở khu phố 2, phường Tân Biên, TP Biên Hoà, Đồng Nai) để tìm hiểu. Bà H lấy một bao nhỏ bột khoảng hơn 1kg rồi nói: "Cái này là bột "trứng mốc", giá chỉ 44.000đ/kg. Người ta thường mua về chế biến bún và làm bánh trung thu mà để lâu nó vẫn tươi roi rói".
Bà H còn mang ra một bình 5kg ghi tên "Hương nếp" có dạng lỏng màu trong suốt. Bà H nói: "Nếu một cối 50kg bột thì chỉ cần cho khoảng 5 muỗng "Hương nếp" thì dù có bao nhiêu "trứng mốc" thì bún vẫn thơm. Cái này có giá 220.000đ/lít. Phải cho chất TKL - 40 tạo bún khô, dai, chống ẩm ướt. "Hóa chất này có thể giúp cho bún dai, hầu hết lò bún nào cũng tới chỗ tôi mua loại hóa chất này. Đảm bảo với các chú sau khi cho chất này vào thì bún ăn ngon lắm, khỏi chê. Tôi chuyên bán cho những cơ sở sản xuất bún ở TP HCM", bà H khẳng định.
Hiện bún bẩn và hóa chất độc hại đang bán tràn lan trên thị trường. Trong thời gian này, đã có nhiều người tại TP HCM bị ngộ độc thực phẩm liên quan tới bún.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Y tế công cộng (Bộ Y tế) - nói: "Các loại hoá chất trôi nổi không nguồn gốc, xuất xứ bị cấm sử dụng nhất là với thực phẩm. Riêng Tinopal (thường được các cơ sở làm bún, mỳ sử dụng) là loại hóa chất tẩy rửa trong công nghiệp, dùng làm trắng, sáng sản phẩm và không được phép lưu hành. Tinopal là chất tẩy nên khi sử dụng trong "công nghệ" làm trắng bún thì khi ăn phải hóa chất này sẽ bị tẩy ruột và làm tổn thương các tế bào, tạo cơ hội cho các mầm bệnh tấn công”.
Viet Bao (Theo Giadinh)
Vịt sau khi mổ để lăn lóc dưới sàn nhà rất nhếch nhác, mất vệ sinh nhưng vẫn được đưa vào cấp đông để đem đi tiêu thụ. Mỗi ngày cơ sở này chế biến từ 1.500 - 2.000 con vịt như vậy.
Người dân phản ánh, cơ sở chế biến thịt vịt cấp đông của Công ty cổ phần công nghiệp nông thủy sản Phú Yên có trụ sở tại xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa (Phú Yên) gây ra mùi hôi thối, ô nhiễm môi trường. PV Thanh Niên đã đến và chứng kiến cảnh chế biến thịt vịt cấp đông ở đây thật khủng khiếp.
Thịt vịt sau khi mổ để dưới sàn nhà, lòng ruột nằm lẫn với vịt trông rất mất vệ sinh - Ảnh: Đức Huy
Quy trình chế biến hoàn toàn thủ công. Vịt sống sau khi cắt tiết, công nhân đưa vào lò trụng nước sôi, rồi vớt ra cho thẳng vào máy vặt lông. Vịt qua công đoạn này thì rớt xuống sàn nhà bằng xi măng rất bẩn. Thịt, lòng, ruột vịt đều nằm dưới sàn nhà, xen lẫn vào nhau. Sau đó, vịt không rửa sạch lại mà đưa lên xe cải tiến bằng sắt đã hoen rỉ, chuyển đến một căn phòng cách nơi mổ chừng 10m và lại tiếp tục đổ tràn lan xuống sàn nhà.
Thấy thịt vịt thành phẩm để dưới sàn nhà rất dơ bẩn, tôi hỏi: “Như vậy có đảm bảo vệ sinh không?”, một người trong xưởng chế biến tự giới thiệu là Võ Minh Đàng - Quản đốc phân xưởng, giải thích: “Thịt vịt sau khi mổ rồi thì không nên rửa sạch, bởi trước đây, công ty đã thử nghiệm 2 lần rửa lại bằng nước sạch, khi cấp đông thịt vịt đều bị thối, hư hỏng. Vì vậy, mổ ra là đưa vào cấp đông ngay. Thịt vịt thành phẩm để dưới sàn nhà, kệ xi măng đã được Chi cục Thú y chấp nhận. Hơn nữa, thịt vịt cấp đông tuy bẩn một chút nhưng người ta (đầu nậu - PV) chấp nhận được”.
Vịt chết bệnh vẫn đưa vào giết mổ - Ảnh: Đức Huy
Điều đáng nói, hầu hết lao động trực tiếp tham gia chế biến thịt vịt cấp đông đều không trang bị khẩu trang, găng tay và quần áo bảo hộ. Trong khi môi trường ở đây cực kỳ mất vệ sinh và nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm là rất lớn. Công ty này cũng chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với phần sản xuất chế biến thịt gia cầm.
Theo lời ông Đàng, mỗi ngày công ty chế biến từ 1.500 - 2.000 con vịt cấp đông. Thời điểm chúng tôi có mặt tại cơ sở sản xuất thì không thấy cán bộ thú y đâu. Ông Đàng giải thích: “Có một cán bộ thú y giám sát ở đây nhưng ảnh mới về ăn cơm”, dù lúc đó là 15 giờ chiều.
Đức Huy
Bày tỏ sự bất bình về việc cốm làng Vòng nhuộm chất malachite green, PGS-TS Nguyễn Tử Cương, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Dịch vụ thủy sản Việt Nam, nói: “Hóa chất này cực độc ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đặc biệt là phụ nữ. Vì vậy, nó đã bị cấm sử dụng và được kiểm tra nghiêm ngặt về dư lượng có trong thực phẩm ở nhiều nước trên thế giới”.
Chất cực độc gây ung thư
Với 2 mẫu cốm đã được xét nghiệm, ông Nguyễn Tử Cương cho biết thêm: Hàm lượng malachite green phân tích được trong 2 mẫu cốm là 5,9 mg/kg và 1,5 mg/kg, tức là đã ở mức cực độc, cao gấp hàng chục ngàn lần giới hạn cho phép ở một số nước châu Âu. Nếu sử dụng thường xuyên, chất độc này sẽ tác động xấu tới sức khỏe con người.
Cốm xanh là một trong những đặc sản của Hà Nội được nhiều người yêu thích bởi hương vị hấp dẫn
Theo ông Nguyễn Tử Cương, trước đây, khi phát hiện khả năng kháng khuẩn cực mạnh của hóa chất này, người ta thường sử dụng nó để trị các bệnh ngoài da: nấm, lở loét cho cả người và gia súc, gia cầm. Đặc biệt, những người nuôi trồng thủy sản thường dùng malachite green xử lý nước, phòng trị các bệnh nấm ngoài da và ký sinh trùng cho cá.
Tuy nhiên, từ năm 2003, Liên hiệp châu Âu đã cấm sử dụng và tại Việt Nam, chất này đã bị đưa vào danh mục hóa chất, kháng sinh bị cấm trong sản xuất, kinh doanh thủy sản do gây nguy hiểm đối với sức khỏe người sử dụng như có thể gây rối loạn chuyển hóa, tổn thương chức năng gan, thận...
“Hiện hóa chất này chỉ được dùng trong công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp dệt vải với vai trò là thuốc nhuộm” - ông Cương khẳng định.
Khó phân biệt
Phân tích lý do người kinh doanh sử dụng hóa chất cấm tạo màu cho cốm, PGS-TS Phạm Công Thành, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), cho rằng bản thân cốm không thể có màu xanh đậm như mọi người thường nghĩ. Để sản phẩm bắt mắt hơn, người ta thường tạo màu bằng cách dùng phụ gia thực phẩm nhân tạo hoặc màu tự nhiên.
“Với những sản phẩm sử dụng phẩm màu tự nhiên, người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm. Nhưng với các loại hóa chất, nhất là hóa chất cấm, dùng ít vẫn nguy hại cho người. Ngay cả những chất nằm trong danh mục cho phép thì vẫn có liều lượng, hàm lượng theo quy định chứ chưa nói gì đến những hóa chất cấm như malachite green” - ông Thành lo ngại.
Thế nhưng, làm thế nào để phân biệt loại cốm nhuộm hóa chất độc hại với sản phẩm cốm dùng màu tự nhiên, giới chuyên môn đều cho rằng rất khó. Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, cho biết chất cấm đó ở dạng bột, người sản xuất thường pha loãng với nước phun đều lên bề mặt để cốm có màu xanh đẹp và đều. Vì thế, người mua rất khó phân biệt bằng mắt thường.
Trước sự cố 2 mẫu cốm làng Vòng bị phát hiện có tẩm hóa chất độc, ông Cường cho biết đã chỉ đạo phòng y tế các địa phương chủ động kiểm tra bằng cách kiểm tra (test) nhanh để xác định định tính, trường hợp nghi ngờ có phẩm màu công nghiệp thì sẽ niêm phong sản phẩm và tiếp tục kiểm nghiệm về hóa chất độc hại.
Cốm tự nhiên không xanh
Với thâm niên hàng chục năm làm nghề cốm, bà Nguyễn Thị Rừng, ở xã Mễ Trì Thượng, huyện Từ Liêm - Hà Nội, cho biết: Thông thường, hạt cốm không thể có màu xanh đậm như mọi người vẫn gọi là “xanh cốm”. Để hạt cốm trông mềm, mượt, bắt mắt và xanh hơn, người ta thường dùng nước lọc từ lá dong riềng hoặc lá lúa non để phun lên. Cốm có màu vàng xanh thường là loại cốm tự nhiên, không nhuộm màu, còn cốm có màu xanh đậm thường có sử dụng phẩm màu.
Bài và ảnh: Ngọc Dung
Các loại thực phẩm nhập lậu hoặc hàng trôi nổi thường có xuất xứ từ Trung Quốc. Sau đó, các chủ hàng đã thay đổi bao bì, nhãn mác để "phù phép" thành sản phẩm có xuất xứ: Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Mỹ, Hàn Quốc… (chủ yếu là bánh, kẹo, mứt) và thay "date" mới, mặc dù sản phẩm đã hết hạn hoặc cận hạn sử dụng.
Việc "tập kết" nguồn hàng để chuẩn bị bung ra thị trường phục vụ cho các dịp lễ, Tết (Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán) hiện được các chủ kinh doanh tính từ bây giờ. Ghi nhận của chúng tôi tại chợ Bình Tây (quận 6) - chợ đầu mối chuyên cung cấp các mặt hàng thực phẩm khô cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, chúng tôi nhận thấy hàng hóa ở đây khá đa dạng nhưng cũng có không ít sản phẩm… đáng nghi ngờ.
Lạ nhất là sản phẩm bột ngọt hoàn toàn không có thông tin nào để cho người tiêu dùng Việt Nam đọc và tham khảo. Trên bao bì in toàn chữ Trung Quốc. Loại bột ngọt này đựng trong bao lớn, được sang chiết ra các bịch nhỏ bán với giá rẻ hơn các loại bột ngọt khác trên thị trường từ 3.000 - 4.000đ/kg.
Khảo sát một số loại thực phẩm khô khác như măng tây, nấm đông cô, rong biển, hạnh nhân… chúng tôi cũng nhận thấy, tại các quầy sạp phần lớn những sản phẩm này đựng trong các bịch giấy to không có nhãn mác, không hạn sử dụng, không có tên đơn vị sản xuất hoặc nhập khẩu. Có loại đã bị nấm mốc nhưng vẫn được bày bán, chào hàng công khai.
Trên thực tế, trong thời gian qua, các lực lượng kiểm tra phát hiện, bắt giữ các loại thực phẩm nhập lậu hoặc hàng trôi nổi thường có xuất xứ từ Trung Quốc. Sau đó, các chủ hàng đã thay đổi bao bì, nhãn mác để "phù phép" thành sản phẩm có xuất xứ: Việt Nam,Thái Lan, Malaysia, Singapore, Mỹ, Hàn Quốc… (chủ yếu là bánh, kẹo, mứt) và thay "date" mới, mặc dù sản phẩm đã hết hạn hoặc cận hạn sử dụng.
Các sản phẩm sau khi thay mới hoàn toàn sẽ đưa vào các cửa hàng, chợ, siêu thị, để cạnh tranh với các sản phẩm khác cùng loại.
Theo CAND
Phòng CSGT – Công an tỉnh Quảng Trị vừa phát hiện và bắt giữ 6 tạ thực phẩm thối trên một chiếc xe khách chạy tuyến Vĩnh Phúc – TP.HCM.
Khoảng 3 giờ, ngày 28/10/2011, tại Km 750 Quốc lộ 1A, đoạn qua xã Cam An (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị), tổ tuần tra kiểm soát đội 8.1 - Phòng CSGT tỉnh Quảng Trị đã cho dừng xe khách 51 chỗ ngồi mang biển số 88H-6634 do lái xe Nguyễn Quốc Nhâm (SN 1969, trú tại tỉnh Vĩnh Phúc) điều khiển để kiểm tra.
Số thực phẩm thối trên xe khách
Tại khoang hành lý của chiếc xe này, tổ tuần tra đã phát hiện 12 thùng xốp chứa khoảng 600 kg nội tạng, chân, đuôi, tai trâu bò.
Số thực phẩm này đang được ướp đá và đã bốc mùi thối. Lái xe Nhâm không xuất được giấy tờ hợp lệ.
Lái xe Nhâm khai nhận, đây là số hàng do người khác thuê chở vào TP.HCM để tiêu thụ.
Vụ việc đang được Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Quảng Trị tiếp tục điều tra.
Sê Pôn
Thành phố Hà Nội đang phải đối mặt với việc kiểm soát hoạt động vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm tại các cơ sở tập trung giết mổ thủ công và hơn 3.700 điểm giết mổ nhỏ lẻ nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân, trong khi các dự án đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc tập trung công nghiệp đã được phê duyệt, nhưng triển khai với tốc độ "rùa bò".
Lò giết mổ gia súc nhỏ lẻ, mất vệ sinh ở xã Kim Sơn (Gia Lâm, Hà Nội).
Chưa bảo đảm vệ sinh thú y
Thực hiện chủ trương xóa bỏ các cơ sở, điểm giết mổ gia súc nhỏ lẻ, gây ô nhiễm môi trường, tháng 12-2010, lò mổ Thịnh Liệt (lớn nhất Hà Nội) do HTX dịch vụ nông nghiệp Ðồng Thịnh quản lý đã phải chấm dứt hoạt động do ô nhiễm môi trường, mất trật tự công cộng. 26 cơ sở giết mổ từ lò mổ Thịnh Liệt được đưa về tập trung giết mổ gia súc tại Cơ sở Minh Hiền (Cụm công nghiệp Bích Hòa, xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai). Ðây là cơ sở giết mổ tập trung "có tiếng" của thành phố, với hai hình thức: Dây chuyền giết mổ công nghiệp (của nhà máy) và giết mổ thủ công của các hộ dân. 3 giờ sáng, giờ "cao điểm" gia súc đưa vào giết mổ, chúng tôi gặp anh Phạm Văn Trung, phụ trách tổ kiểm dịch, anh cho biết: " Ở đây, không chỉ có lực lượng thú y làm kiểm dịch, mà còn có cả đại diện công an, quản lý thị trường cùng phối hợp thực hiện. Ðể tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh, buôn bán, giết mổ động vật tại các lò mổ, trang trại chăn nuôi, thành phố mới vừa thành lập thêm bảy chốt kiểm dịch liên ngành tại cầu Trung Hà, Cầu Giẽ (Phú Xuyên), Trung Giã (Sóc Sơn), Bắc Thăng Long - Nội Bài, Hà Vĩ (Thường Tín), Minh Hiền (Thanh Oai), chốt Dương Xá (Gia Lâm) và một đội kiểm dịch cơ động". Cung cấp nguồn nguyên liệu cho lò mổ này chủ yếu từ các tỉnh lân cận và dân địa phương. Vì thế, một tổ kiểm dịch thú y (12 người), chia làm ba ca luôn có mặt 24/24 giờ trực chốt, kiểm dịch cùng với lực lượng liên ngành. Chứng kiến tận mắt công tác kiểm dịch, một chủ xe lợn (137 con) từ Hà Tĩnh ra - anh Nguyễn Văn Hòa, phải xuất trình đầy đủ bốn dấu kiểm dịch tại các chốt kiểm dịch của các tỉnh đi qua trong quá trình vận chuyển, mới được đưa vào giết mổ. Trưởng phòng kiểm dịch Nguyễn Xuân Ủy - Chi cục Thú y Hà Nội nhận xét, mặc dù mới chỉ là mô hình "tập trung giết mổ thủ công thôi" nhưng với cách tổ chức như thế này đã tạo điều kiện cho cơ quan chức năng thực hiện tốt việc kiểm soát chặt chẽ ngay từ nguồn gốc xuất xứ của gia súc, gia cầm trước khi đưa vào giết mổ, vừa ngăn chặn dịch bệnh, vừa bảo đảm an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, tham quan toàn bộ cơ sở này, bày ra trước mắt chúng tôi vẫn là hình ảnh những con lợn được giết mổ ngay trên sàn nhà, có con phơi ra đường. Mặc dù, về cơ bản, cơ sở này cũng thiết kế các khu riêng biệt (khu nhốt động vật sống, khu bẩn, khu sạch), có hệ thống xử lý chất thải rắn, lỏng, song theo quy định thú y, việc giết mổ phải được thực hiện trên sàn cao (cách nền nhà ít nhất 40 cm) hoặc tốt hơn phải giết mổ trên dàn treo, sau đó bảo ôn trong phòng mát theo thời gian quy định trước khi bán ra thị trường. Hỏi chuyện một chủ hộ giết mổ Quỳnh Phương, chị Phương hồn nhiên so sánh: So với những nơi giết mổ tự phát khác, ở đây còn sạch chán vì có nước máy, không phải dùng nước ao, nước bẩn.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố còn khoảng 3.725 điểm, hộ giết mổ gia súc, gia cầm không bảo đảm vệ sinh thú y, hầu hết phân tán rải rác ở các huyện ngoại thành. Các điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ hoạt động rất đa dạng, một số chủ hoạt động theo mùa vụ nên việc kiểm tra, kiểm soát còn gặp nhiều khó khăn. Năm cơ sở giết mổ công nghiệp nhưng hoạt động cầm chừng, chỉ đạt khoảng 10% công suất giết mổ lợn và 35,7% công suất giết mổ gia cầm. Ngoài các cơ sở giết mổ gia súc tập trung ở huyện Thanh Oai, Từ Liêm, Ðan Phượng, còn có các cơ sở, hộ giết mổ gia cầm thủ công trên địa bàn các huyện ngoại thành được thành phố cho phép giết mổ tạm thời như cơ sở giết mổ thủ công tại chợ đầu mối Bắc Thăng Long, hai cơ sở giết mổ ở Yên Thường (Gia Lâm), điểm giết mổ Hiền Ninh (Sóc Sơn), các hộ giết mổ nhỏ lẻ ở chợ Hà Vĩ (Thường Tín).
Ðể bảo đảm nhu cầu tiêu dùng cho người dân Thủ đô, đã có nhiều chính sách ưu đãi về nguồn vốn vay, giá thuê mặt bằng, đặc biệt hỗ trợ toàn bộ kinh phí xây dựng hệ thống xử lý chất thải nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ công nghiệp, song các doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà. Trong khi đó, các dự án đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm công nghiệp tập trung, hay thủ công tập trung đã được phê duyệt nhưng triển khai chậm... Mặt khác, với 300 chợ có hoạt động kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm (không kể các chợ cóc, chợ tạm), thì ý thức chấp hành quy định pháp luật về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y của người kinh doanh, buôn bán sản phẩm gia súc, gia cầm vẫn rất thấp.
Nâng cao hiệu quả quản lý
Theo đánh giá của Chi cục trưởng Thú y Hà Nội Cấn Xuân Bình, mặc dù lực lượng thú y đã chủ động, tích cực trong công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, song do địa bàn rộng, các cơ sở giết mổ tập trung thì chưa hoàn thành, chủ yếu vẫn giết mổ nhỏ lẻ, lại chưa có các chợ đầu mối buôn bán sản phẩm gia súc, gia cầm, nên hiện vẫn tồn tại những bất cập như: chưa quản lý được công tác kiểm soát giết mổ tại các điểm, hộ nhỏ lẻ; tỷ lệ gia súc, gia cầm có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật hợp lệ từ các tỉnh vào thành phố còn thấp; còn tình trạng lén lút bán gia cầm chưa giết mổ, sản phẩm gia súc, gia cầm không qua kiểm dịch tại các quận nội thành.
Ðể nâng cao hiệu quả công tác quản lý giết mổ, vận chuyển, buôn bán giết mổ gia súc, gia cầm, có hàng loạt giải pháp mà thành phố cần tiếp tục triển khai. Ðó là quy hoạch xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học nhằm cung cấp nguồn nguyên liệu cho các cơ sở giết mổ, chế biến tập trung, hiện đại, bảo đảm cho các cơ sở giết mổ tập trung duy trì hoạt động; đầu tư nâng cấp những cơ sở giết mổ hiện có bảo đảm thực hiện triệt để việc kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y đối với gia súc, gia cầm tiêu dùng của thành phố; đồng thời tiếp tục triển khai nhanh các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại các huyện ngoại thành, xây dựng các chợ đầu mối kinh doanh, buôn bán sản phẩm động vật nằm ở cửa ngõ ra vào thành phố; tăng cường kiểm tra vệ sinh thú y tại các thị trường tiêu thụ trọng điểm. Bên cạnh đó, tăng cường thông tin tuyên truyền về chủ trương của thành phố, các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về kiểm dịch, vệ sinh thú y cho người chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm.
Ðược biết, trong cuộc họp giao ban mới đây (ngày 6-9) về triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm tập trung, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Xuân Việt đã giao Sở Kế hoạch và Ðầu tư chủ trì phối hợp các ngành liên quan nghiên cứu tình hình hoạt động (thuận lợi, khó khăn) của các cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm để tổng hợp, đề xuất UBND thành phố ban hành cơ chế hỗ trợ sau đầu tư nhằm bảo đảm cho các nhà máy hoạt động có hiệu quả, đạt công suất thiết kế, giảm giá thành sản phẩm, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của doanh nghiệp và của thành phố. Mặt khác, từ thực tế, đề xuất UBND thành phố sửa đổi những vấn đề bất cập khi triển khai thực hiện Quyết định số 77, ngày 10-6-2009 về chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố. Hy vọng, với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền thành phố, các cơ quan chức năng, Hà Nội sẽ nhanh chóng tìm được lời giải cho "bài toán" về quản lý kiểm soát giết mổ, vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng thực phẩm an toàn.
HẢI PHƯƠNG
TT - Các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là các công ty nước ngoài trong ngành nước chấm, thực phẩm đang dùng khả năng vượt trội về tài chính, không rõ ràng trong công bố thông tin để chiếm lĩnh thị trường, qua mặt người tiêu dùng.
Chọn mua nước chấm tại một siêu thị ở TP.HCM (ngày 27-10) - Ảnh: T.T.D.
Rất nhiều ý kiến đã cho biết như vậy tại hội thảo Tiêu chuẩn chất lượng nước chấm do Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA) tổ chức ngày 27-10.
Theo ông Phạm Ngọc Dũng - phó chủ nhiệm Câu lạc bộ nước chấm (thuộc FFA), nguồn nguyên liệu đặc trưng là các loại cá sử dụng trong ngành sản xuất nước mắm ngày càng giảm, trong khi nhu cầu tiêu thụ của thị trường ngày càng lớn. Các nhà sản xuất bù sự thiếu hụt bằng sử dụng phụ gia thực phẩm. Khi đã sử dụng phụ gia, việc xác định chất lượng sản phẩm càng khó khăn. “Các công ty nhập khẩu phụ gia thực phẩm đến chào hàng tá lả, chủng loại quá nhiều. Chúng tôi là doanh nghiệp trong ngành mà còn không biết hết loại nào với loại nào, sử dụng ra sao...” - ông Dũng nói.
Trước thực trạng này, các doanh nghiệp cho rằng cơ quan quản lý cần tăng cường quản lý và doanh nghiệp phải công bố thông tin rõ ràng. Hiện quy định về sử dụng phụ gia trong sản xuất thực phẩm và danh mục phụ gia được phép sử dụng của Bộ Y tế đã quá cũ. Quy định này có từ năm 2001 trong khi thị trường phụ gia đã phát triển ồ ạt trong cả chục năm qua. Một số loại phụ gia trước đây Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) cho phép sử dụng, nay phát hiện có gây hại cho sức khỏe người sử dụng nên đã cấm nhưng VN vẫn cho phép sử dụng.
Theo các doanh nghiệp, trên thị trường đang có hai loại nước mắm nguyên chất và nước mắm công nghiệp. Nước mắm công nghiệp được pha chế từ một phần nước mắm nguyên chất với nước muối, phụ gia tạo mùi hương, tạo màu nâu, vàng... Các nhà sản xuất cho rằng chưa nói đến yếu tố độc hại, giá trị dinh dưỡng trong nước mắm công nghiệp thấp hơn nhiều so với nước mắm tự nhiên.
Tuy nhiên doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này lại không ghi rõ trên nhãn mác khiến người tiêu dùng không nắm được thông tin đâu là nước mắm nguyên chất, đâu là sản phẩm pha chế công nghiệp. Ông Phan Bảo Tâm - đại diện Công ty nước chấm Me Kong - nói có doanh nghiệp lớn dùng tiền tung các chiêu quảng cáo sai sự thật làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng và khiến nhà sản xuất nhỏ lao đao, hệ thống phân phối tan rã, doanh số tiêu thụ giảm sút nghiêm trọng.
Theo ông Tâm, nếu như ba năm trước mỗi ngày công ty bán ra thị trường khoảng 300.000 sản phẩm thì nay chỉ đạt khoảng 30-35% con số trên. Các doanh nghiệp tham gia hội thảo dẫn chứng một đoạn phim quảng cáo nước mắm mà người xem thấy hình ảnh rất nhiều vi khuẩn bò lổm ngổm trong khi thực tế với đặc thù độ mặn nên sẽ không bao giờ có vi khuẩn gây hại trong nước mắm.
Đại diện Cục Quản lý cạnh tranh cho rằng việc quảng cáo và thông tin không rõ ràng đã vi phạm Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Không chỉ nhà sản xuất mà nhà đài cho quảng cáo cũng phải chịu trách nhiệm liên đới.
BẠCH HOÀN
Hiện nay, rất nhiều quán vịt nướng sử dụng nguồn thịt vịt là thịt đông lạnh lấy từ các chợ đầu mối hoặc các đầu nậu. Tất cả các nguồn này đa phần đều có xuất xứ từ Trung Quốc.
Thời gian qua, nhiều độc giả đã phản ánh về việc ăn vịt quay, vịt nướng có dấu hiệu bị ngộ độc thực phẩm. Khi chứng kiến công nghệ chế biến vịt nướng siêu bẩn mà chúng tôi đã tìm hiểu được dưới đây chắc chắn độc giả sẽ tự tìm được câu trả lời cho mình.
Mua vịt bẩn từ đầu nậu
Vịt được mua như thế nào? Nhiều người tự hỏi hàng ngày ở các đô thị, thành phố với hàng ngàn địa chỉ bán vịt nướng len lỏi khắp ngõ ngách, tiêu thụ một lượng vịt lớn đến khó kiểm soát được, vậy số vịt ấy từ đâu ra?
Hiện nay, rất nhiều quán vịt nướng sử dụng nguồn thịt vịt là thịt đông lạnh lấy từ các chợ đầu mối hoặc các đầu nậu. Tất cả các nguồn này đa phần đều có xuất xứ từ Trung Quốc chuyển về qua đường tiểu ngạch.
Vịt đã chế biến, giết mổ từ các lò mổ Trung Quốc được đóng thùng tuồn qua biên giới và len lỏi vào các chợ đầu mối. Khi đến tay nhà hàng, quán chế biến, đa phần là vịt đã được giết mổ trước đó cả tuần, thậm chí là vịt chết dịch trước đó nhiều ngày hơn.
Các đầu nậu Trung Quốc sơ chế vịt "bẩn"
Cũng có nhiều cơ sở lựa chọn mua vịt tại các chợ, vịt còn sống về tự giết mổ. Vào vai người xin việc làm đến thâm nhập các địa chỉ bán vịt nướng có giết mổ, chúng tôi luôn bắt gặp những cảnh tượng chế biến bẩn đến khó tin.
Công nghệ giết mổ siêu bẩn
Vịt mua về được vứt đống, bừa bộn trên những sàn mổ nhầy nhụa nước hôi thối. Dưới nền tiết khô đã đóng cạnh, phân vịt vung vãi, ruồi muỗi bu đậu khắp nơi. Tất cả những dụng cụ tham gia vào công việc giết mổ như dao, chậu, khăn … đều không hề được lau rửa sạch sẽ mà được vứt bừa bộn dưới nền đất bẩn thỉu. Mùi hôi nồng nặc cả khu mổ.
Vịt bẩn được ngâm bảo quản trước khi tuồn về thị trường Việt Nam
Bát được xếp la liệt dưới đất. Người ta chỉ lau sơ qua những chiếc bát được vớt lên từ thùng rửa lềnh phềnh mỡ bằng một chiếc giẻ lau nhàu nát. Tiết vịt được cắt đổ vào các bát đã xếp. Tiết bắn tung tóe ra xung quanh cũng không hề được lau dọn. Bát tiết vịt bị dính nhiều lông vịt rơi vào được người thợ mổ thò tay vào vớt, bát tiết tiếp tục được để phơi mặc kệ ruồi đến bám.
Sau khi cắt tiết, vịt được nhúng vào nồi nước nóng đen kịt, sôi sung sục. Nồi nước này có hắc ín (nhựa đường độc hại). Sau khi nhúng khắp vịt vào nồi nước đen kịt, những con vịt cũng bị nhuộm đen. Vịt được nhấc ra vứt trở lại nền đất ướt át. Sau một lúc, người thợ mổ dùng giẻ cũ vuốt nhẹ, chỉ mất vài giây toàn bộ lông vịt đã được vuốt sạch bong, bám theo lớp nhựa đen rơi ra ngoài.
Khâu chế biến như ảo thuật
Đa phần vịt được đưa vào chế biến đã có phẩm chất kém, để lâu ngày. Các nơi mổ vịt sống cũng thường dùng loại vịt cỏ của Trung Quốc to mập nhưng nhạt thịt và nhạt da.
Để làm bắt mắt, các chủ quán phết lên thịt vịt một lớp phẩm màu hoặc nhúng vào hóa chất hương liệu màu khiến sau khi nướng vịt trông rất bắt mắt và có mùi thơm hấp dẫn. Đa phần các hóa chất, phẩm màu này đều độc hại và đã bị cấm, song trên thực tế vẫn được các chủ quán sử dụng một cách phổ biến.
Những bếp nướng thường được đặt ngay vỉa hè để thu hút khách, bụi và bẩn bắn đầy lên thịt vịt nhưng vẫn luôn có rất đông người mua vì giá thành vịt nướng ở quán rẻ hơn cả người dân tự mua vịt về nướng. Những phần thịt không bán hết lại được chủ quán xếp chung vào tủ lạnh, thùng đá với thịt vịt sống để hôm sau đem chế biến lại.
Món vịt nướng vẫn là món khoái khẩu của đông đảo người tiêu dùng, để có được sự an tâm khi thưởng thức món ngon này thì trước khi chờ giải pháp có thể có của các cơ quan chức năng người tiêu dùng phải tự là người tiêu dùng thông thái.
Theo MH
Đô Thị
Khoảng 10 ngày nay, giá gà tại trị trường Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình đã rớt thảm hại.
Theo thông tin của một số chủ trang trại, nguyên nhân là do gà thải loại của Trung Quốc được nhập về ồ ạt về Việt Nam với số lượng lớn.
Tại khu vực nội thành 3 tỉnh thành trên, gà đã làm lông giảm từ mức 90.000 - 100.000 đồng/kg xuống còn 70.000 – 80.000 đồng/kg. Tại khu vực ngoại thành, giá gà giảm nguyên con chưa làm lông giảm từ 70.000 – 80.000 đồng/kg xuống còn 40.000 -50.000 đồng/kg.
Việc giá gà thị trường đột ngột giảm mạnh đã gây thiệt hại rất nặng cho các chủ trại gà do đang đúng đợt xuất chuồng vì giá bán không bằng giá nuôi. Nhiều trại gà phải bán tháo đàn gà.
Theo phản ảnh của các chủ trại gà, hiện gà thải loại của Trung Quốc được nhập về Việt Nam với số lượng lớn, sau đó được nuôi vỗ vài ngày tại các trại gà trong nước trước khi bán ra thị trường. Có tin đồn gà Trung quốc bị cho ăn hóa chất để teo buồng trứng, tránh dập vỡ buồng trứng gây chết gà trong quá trình vận chuyển. Trong khi đó lại xuất hiện hiện tượng gà mua với giá rẻ về nuôi trong 1 - 2 tháng nhưng không tăng cân mà không rõ nguyên nhân. Do vậy, người tiêu dùng nên cảnh giác khi mua gà thịt giá rẻ.
Theo Quốc Trung
Diễn đàn doanh nghiệp